Các thiết chế văn hóa cơ sở có thể xem như ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc, là nơi họ lắng nghe các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc. Do đó, chính quyền địa phương luôn quan tâm, trăn trở làm thế nào để phát huy tốt công năng sử dụng của hệ thống nhà văn hóa.
Câu chuyện thiếu nhà văn hóa không chỉ xảy ra ở Điện Biên mà nhiều địa phương trong cả nước cũng “mòn mỏi” chờ ngày nhà văn hóa “phủ sóng” đến từng thôn bản.
Thiết chế văn hóa: Một phần không thể thiếu của xã hội
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Chủ trương xây dựng nhà văn hóa tại cơ sở đã được Đảng quan tâm từ rất sớm và liên tục qua nhiều kỳ đại hội.
Nghị quyết Trung ương V khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đó phải quan tâm “xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở” đồng thời “nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa.”
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả”; “khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội”; “quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số.”
Về nhận thức, quan điểm, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ “Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.”
Để đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng nêu rõ giải pháp “Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn.”
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã khẳng định vai trò của thể chế, chính sách với nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó có thiết chế văn hóa, thể thao.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khá sớm và dần trở thành một mạng lưới từ cơ sở đến trung ương.
“Khi còn là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, tôi có gặp một chuyên gia Hàn Quốc. Ông tỏ ra rất hứng thú khi biết Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống các nhà văn hóa, thư viện đến tận cấp xã để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí và học tập của người dân. Ông bày tỏ mong muốn nghiên cứu, học hỏi về mô hình này,” ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định thiết chế văn hóa cơ sở đang đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội.
“Tuy quan trọng như vậy, nhưng qua các đợt chất vấn, giám sát, khảo sát, và từ phản ánh của cử tri, chúng ta nhận thấy nhiều cơ chế, chính sách, luật pháp chưa đồng bộ, còn thiếu, chưa tạo điều kiện cho hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Đầu tư cho văn hóa nói chung, thiết chế văn hoá thể thao nói riêng còn chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao,” ông Sơn nêu vấn đề.
Làm gì để xóa “điểm trắng”?
Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, việc thiếu hụt nhà văn hóa sẽ làm giảm đi cơ hội tiếp cận, thực hành và thụ hưởng văn hóa của người dân. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Thiếu nguồn vốn đầu tư; địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, mật độ dân cư thấp, phân bố trên địa bàn rộng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới khắc phục những “điểm trắng” về thiết chế văn hóa, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản như: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cán bộ văn hóa cơ sở cần được được quan tâm, chú trọng hơn nữa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân trong việc xây dựng, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa.
“Trong bối cảnh nguồn nhân lực quản lý thiết chế văn hóa còn thiếu thì sự tham gia của cộng đồng, nhất là người có uy tín, kinh nghiệm, già làng, trưởng bản, nghệ nhân nhân dân và sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp xã hội sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì các hoạt động,” ông Phòng cho biết.
Đóng góp giải pháp, Tiến sỹ Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và thực hiện chế độ tự chủ tài chính cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở xã, làng, ấp, bản, buôn.
Cụ thể, đối với các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở ở vùng nghèo, miền núi, Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí 100% kể cả xây dựng cơ bản và đầu tư mua sắm trang thiết bị. Một giải pháp khác là thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và các thành phần xã hội tham gia xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở.
“Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đi đôi với tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, có hiệu quả theo đúng định hướng của Nhà nước,” bà Bình nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc với Đảng bộ tỉnh Điện Biên năm 2024 đã đề nghị tỉnh Điện Biên chú trọng hơn nữa việc xây dựng môi trường văn hoá cơ sở với những tiêu chí cơ bản về thôn, bản văn hoá, gia đình văn hoá; bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá của cộng đồng dân cư…
Bộ trưởng khẳng định Điện Biên luôn đặt vai trò quan trọng của văn hoá trong việc phát huy sức mạnh mềm, nhất là việc triển khai 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc năm 2021. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân; 19 dân tộc sống trên địa bàn tỉnh đã có sự giao thoa về văn hoá, biết phát huy giá trị văn hoá, đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng trong đời sống văn hoá Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng còn nhiều điều mà tỉnh cần phải phối hợp cùng các Bộ, ngành để cải thiện.
“Trước hết muốn xây dựng văn hoá cần phải xây dựng con người, môi trường văn hoá, thiết chế văn hoá nhưng hiện tại tỉnh mới chỉ đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu nên các thiết chế văn hoá còn nhiều khó khăn hoặc đầu tư xây dựng xong nhưng lại thiếu cơ chế để vận hành,” Bộ trưởng nhận định.
Tại Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa mà còn tạo sự ổn định về chính trị, xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh con người, hướng đến sự phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện; tạo nguồn sức mạnh nội sinh để xây dựng quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.
Về giải pháp tháo gỡ, ông Hùng yêu cầu các địa phương căn cứ chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát và nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đạt được sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật để áp dụng thống nhất, đặc biệt là đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, những vấn đề thuộc quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam, những vấn đề bất cập với thực tiến và những vấn đề khác chưa được thể chế hoá.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề cập đến 4 nhóm chính sách cần quan tâm: Chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng (chính sách hạ tầng); Chính sách về quản lý, khai thác, hoạt động (chính sách chuyên ngành và liên quan); Chính sách về huy động các nguồn lực; Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Từ thực trạng thiếu thốn nhà văn hóa, các ngành các cấp đã và đang tìm giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam./.
Mời độc giả xem toàn bộ loạt bài:
- Bài 1: Trăn trở nỗi lo thiếu nhà văn hóa nơi cực Tây Tổ quốc
- Bài 2: Xây nhà văn hóa thôn bản: Đảng viên đi trước, dân cất bước theo sau
- Bài 3: Để thiết chế văn hóa cơ sở luôn đồng hành cùng đời sống Nhân dân