Sáng 12/5, tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao."
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Cùng dự và chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại biểu Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; đại diện cơ quan quản lý thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và cơ sở; chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế
Khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, cần được nghiên cứu, tháo gỡ.
Hội thảo tập trung rà soát, phân tích, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; việc bố trí, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, Hội thảo sẽ cung cấp và làm rõ hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động khẳng định văn hóa là nguồn tài nguyên tiềm tàng, quý hóa nhất. Con người được xác định là nguồn lực quan trọng nhất, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển bền vững, mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” là một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2020-2030; xác định phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương…
Hội thảo là dịp quý báu để tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng từ các lãnh đạo, quản lý cấp cao, chuyên gia, học giả giúp địa phương củng cố quyết tâm, định hướng tầm nhìn để tiếp tục hoàn thiện thể chế và các giải pháp chính sách thuộc thẩm quyền nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa; huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực phát triển, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở phục vụ nâng cao chất lượng đời sống, hạnh phúc của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đề cập đến một vấn đề thời sự, rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, từ đó góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật của Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng, đang cần được tập trung ưu tiên phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn về vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách. “Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao. Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế này, gồm: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành; bảo đảm kết nối, liên thông giữa các chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao với chính sách, nguồn lực cho phát triển những lĩnh lĩnh vực kinh tế-xã hội khác trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa, thể thao của mỗi địa phương và cả nước," ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể; tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Cần đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại."
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tăng cường huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng để các thiết chế văn hóa, thể thao có thể vận hành và phát triển hiệu quả. Phải xây dựng các cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao; thúc đẩy sự liên kết giữa tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư để tổ chức hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn thi đấu thể thao.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nhân lực, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích xem quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, định mức biên chế, cơ cấu đội ngũ lao động, xác định vị trí việc làm tại thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đã phù hợp chưa? Việc sáp nhập và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao gặp thuận lợi và khó khăn, vướng mắc gì?
Ông Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng các đại biểu sẽ có những trao đổi thẳng thắn và tâm huyết, nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, pháp luật, chính sách, các cơ chế để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hóa, thể thao nước nhà trong giai đoạn mới.
Bài 1: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Chùm 2 bài "Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền dân tộc trong xã hội đương đại" đề cập đến các chính sách và mô hình hiệu quả trong bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.