Giá trị xuất khẩu âm nhạc của Anh trong năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 775 triệu bảng Anh (hơn 1 tỷ USD), song tốc độ tăng trưởng đã giảm hơn 50%, trong bối cảnh các ngôi sao mới nổi của Anh đang nỗ lực để giành thị phần khán thính giả trước sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt từ Mỹ, Hàn Quốc và Mỹ Latinh.
Ngày 21/10, Cơ quan thương mại của ngành công nghiệp âm nhạc Anh (BPI) tiết lộ dữ liệu mới cho thấy nước này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của ngành sản xuất âm nhạc trên phạm vi toàn cầu trong năm ngoái, với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu vẫn là những khu vực lớn nhất về xuất khẩu âm nhạc ghi âm của Anh, chiếm gần 80% tổng số.
Tại châu Âu, xuất khẩu âm nhạc tăng 6,7% ở Đức - thị trường lớn thứ hai của Anh. Trong khi đó, các mức tăng ghi nhận tại Tây Ban Nha và Hà Lan lần lượt là 7,3% và 5,9%.
Theo BPI, xuất khẩu âm nhạc của Anh - gồm doanh số bán nhạc Anh trên thị trường quốc tế thông qua bất kỳ phương tiện nào, từ phát trực tuyến đến các định dạng vật lý như CD và đĩa than - đã tăng 7,6% vào năm 2023.
Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng 20% được ghi nhận vào năm 2022. Do đó, các giám đốc điều hành đã đưa ra những cảnh báo trong bối cảnh chính phủ đang xây dựng chính sách Trí tuệ Nhân tạo (AI) mới gây tranh cãi về việc sử dụng nội dung bao gồm cả âm nhạc.
BPI cho biết các nghệ sỹ Anh hiện chiếm chưa đến 20% trong số các nghệ sỹ có chương trình phát trực tuyến toàn cầu. Tỷ lệ tiêu thụ âm nhạc toàn cầu của họ ước tính là 17% vào năm 2015, khi "họa mi" Adele và ca sỹ kiêm nhạc sỹ Ed Sheeran vẫn là những ngôi sao đột phá.
Cả 2 nghệ sỹ này vẫn nằm trong số những nghệ sỹ nổi tiếng nhất, dù một loạt nghệ sỹ mới của Anh đạt được dấu mốc có ca khúc hoặc tác phẩm âm nhạc thu hút hơn 1 tỷ lượt phát trực tuyến vào năm 2023, trong đó có Central Cee, Glass Animals, PinkPantheress và Raye.
BPI cho biết Anh đang cạnh tranh không chỉ với các quốc gia mạnh về âm nhạc như Mỹ, Canada mà còn với Mỹ Latinh và Hàn Quốc - nơi có những nghệ sỹ đang đạt được thành công lớn ở tầm quốc tế một phần nhờ vào sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ.
Anh là quốc gia xuất khẩu nhạc thu âm lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Các giám đốc điều hành âm nhạc cảnh báo rằng kế hoạch của chính phủ xung quanh việc cho phép sử dụng nội dung của nghệ sỹ - cùng với các đề xuất cho các lĩnh vực khác của ngành truyền thông như xuất bản, sẽ làm xói mòn thêm thế mạnh độc đáo của Anh trong âm nhạc.
Chính phủ dự kiến sẽ tham vấn vào cuối năm nay về các kế hoạch cho phép những công ty AI thu thập nội dung từ nghệ sỹ trừ khi họ "từ chối." Ngành công nghiệp sáng tạo lập luận rằng động thái như vậy sẽ không công bằng, không khả thi, tốn kém và có lợi cho các công ty công nghệ muốn sao chép tác phẩm của họ.
BPI cũng đang yêu cầu chính phủ nước này đưa ra các chính sách trong nước hỗ trợ khuyến khích các hãng thu âm đầu tư vào tài năng mới để giúp phát triển Adele hoặc Sheeran tiếp theo.
Giám đốc điều hành BPI Jo Twist bày tỏ vui mừng khi âm nhạc thu âm của Anh tiếp tục được trình diễn mạnh mẽ trên sân khấu thế giới, nhưng nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa trước sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt khi các thị trường đối thủ phát triển với tốc độ nhanh.
Bên cạnh đó, BPI mong muốn chính phủ tiếp tục hỗ trợ Chương trình tăng trưởng xuất khẩu âm nhạc, hỗ trợ các công ty âm nhạc vừa và nhỏ trong việc phát triển nghệ sỹ tại các thị trường nước ngoài./.
Cây đàn guitar của John Lennon được bán với giá kỷ lục
Theo nhà đấu giá Julien's Auctions, cây đàn guitar này được cả John Lennon và George Harrison sử dụng trong các buổi thu âm cho album "Help!" và "Rubber Soul," đều được phát hành vào năm 1965.