Giai điệu dân ca Việt Nam lại vang lên tại Berliner Philharmonie

Các tiết mục hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam với dàn hợp xướng và giao hưởng thính phòng đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả, cho thấy âm nhạc là không biên giới.

Gần 30 nhạc công của dàn nhạc dân tộc Hanoi Ensemble đã hoà tấu cùng 300 nhạc công Đức bản "The Second Waltz" của nhà soạn nhạc và nghệ sỹ dương cầm người Nga thời Xô-viết, Dmitri Schostakowitsch, trong tiết mục mở đầu chào mừng 70 năm thành lập trường nhạc Schostakowitsch Berlin-Lichtenberg - trường nhạc duy nhất ở Đức có bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Gần 30 nhạc công của dàn nhạc dân tộc Hanoi Ensemble đã hoà tấu cùng 300 nhạc công Đức bản "The Second Waltz" của nhà soạn nhạc và nghệ sỹ dương cầm người Nga thời Xô-viết, Dmitri Schostakowitsch, trong tiết mục mở đầu chào mừng 70 năm thành lập trường nhạc Schostakowitsch Berlin-Lichtenberg - trường nhạc duy nhất ở Đức có bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 23/9 (giờ địa phương), tại khán phòng hòa nhạc lớn của nhà hát , nơi được coi là"Thánh đường âm nhạc“ của thủ đô Berlin, lại vang lên những giai điệu dân ca Việt Nam.

Các tiết mục được các nhạc công trình diễn bằng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của gần 2.500 khán giả, trong đó có những khách mời đặc biệt như Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức Vũ Quang Minh và ông Martin Schaefer, Quận trưởng quận Lichtenberg.

Trong tiết mục mở đầu Chương trình biểu diễn kỷ niệm 70 năm thành lập trường nhạc Schostakowitsch Berlin-Lichtenberg - trường nhạc duy nhất ở Đức có bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam - gần 30 nhạc công của dàn nhạc dân tộc Hanoi Ensemble đã hoà tấu cùng 300 nhạc công Đức bản "The Second Waltz" của nhà soạn nhạc và nghệ sỹ dương cầm người Nga thời Xô Viết Dmitri Schostakowitsch mà ngôi trường mang tên.

Đây là bản nhạc được biên soạn lại cho các nhạc cụ truyền thống Việt Nam hoà tấu cùng dàn nhạc thính phòng.

Tiếp sau đó là ba bài dân ca Việt Nam: Trống Cơm, Inh Lả Ơi và Lý Ngựa Ô được các nhạc công Việt Nam và Đức trình diễn với gần 30 nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, đàn nguyệt, tam thập lục và bộ gõ.

Kết thúc chương trình, khoảng 350 nhạc công và ca sỹ đã cùng đứng trên sân khấu lớn của Berliner Philharmonie để trình bày bản "Die Hymne der Schostakowitsch Musikschule"/Trường ca của trường nhạc Schostakowitsch, với khúc dạo đầu được hòa tấu bởi các nhạc cụ dân gian của Hanoi Ensemble.

Các tiết mục hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam với dàn hợp xướng và giao hưởng thính phòng đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả, cho thấy âm nhạc là không biên giới, là sợi dây vô hình kết nối giữa các dân tộc, xóa bỏ mọi rào cản về địa lý, chính trị xã hội, ngăn cách về ngôn ngữ để hội nhập. Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi người, mọi thế hệ và mọi nền văn hoá đều có thể hiểu được.

Với hầu hết thành viên của Hanoi Ensemble, gồm các thầy, cô, học trò bộ môn nhạc Việt của trường nhạc Schostakowitsch, được vinh dự đứng trên sân khấu lớn thuộc hàng danh giá trên thế giới của Berliner Philharmonie chắc chắn là một kỷ niệm khó quên.

berliner 2.jpg
Dàn nhạc dân tộc Việt Nam Hanoi Ensemble (áo dài xanh nhạt phía trên), niềm tự hào của trường nhạc Schostakowitsch, do vợ chồng nghệ sỹ nhạc dân tộc Lê Mạnh Hùng (áo đen đứng giữa trên cùng) và Trần Phương Hoa điều hành chuyên trình diễn các tác phẩm âm nhạc truyền thống nổi tiếng của Việt Nam bằng các nhạc cụ Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Dàn nhạc dân tộc Việt Nam Hanoi Ensemble là một điểm nhấn, là niềm tự hào của trường nhạc Schostakowitsch, được thành lập từ năm 2000 và do vợ chồng nghệ sĩ nhạc dân tộc Lê Mạnh Hùng và Trần Phương Hoa điều hành, chuyên trình diễn các tác phẩm âm nhạc truyền thống nổi tiếng của Việt Nam bằng các nhạc cụ Việt Nam và trong các trang phục dân tộc truyền thống Việt Nam. Dàn nhạc mang đến một cái nhìn sâu sắc, hấp dẫn về âm nhạc Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về văn hoá Việt Nam.

Với phương châm "Vì cuộc sống chung ở Berlin – thành phố đa văn hoá", Hanoi Ensemble luôn tích cực đóng góp vào các hoạt động văn hoá của quận Lichtenberg nói riêng và của thành phố Berlin nói chung, nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ của khán giả.

Bộ môn nhạc dân tộc Việt Nam tại trường nhạc Schostakowitsch có khoảng 60 học viên theo học thường xuyên.

Nếu tính từ khi thành lập bộ môn cách đây 20 năm thì con số này đã lên tới 300-400 người, không chỉ là người gốc Việt mà cả người Đức, Nga, Trung Quốc và Ba Lan... Hằng tuần, bộ môn có tổ chức các lớp học vào ngày thứ Tư cho các em nhỏ người Đức làm quen với nhạc cụ Việt Nam.

Chương trình kỷ niệm 70 năm thành lập trường Schostakowitsch cũng gồm nhiều tiết mục trình diễn của các dàn nhạc khác đại diện cho tất cả các bộ môn tiêu biểu của trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.