Chứng khoán Mỹ đóng cửa cao hơn trong phiên 11/11 và ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng theo tuần ấn tượng, khi thị trường hy vọng rằng lạm phát “hạ nhiệt” có thể mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.
Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 33.747,86 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến 0,9% lên 3.992,93 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq ghi nhận mức tăng lớn nhất là 1,9% và khép phiên ở mức 11.323,33 điểm.
Phố Wall tăng điểm bất chấp áp lực từ thông báo của nền tảng tiền điện tử FTX cùng ngày thứ Sáu là đã nộp đơn xin phá sản còn Giám đốc điều hành Sam Bankman-Fried đã từ chức.
Tuy nhiên, nhà phân tích Tom Cahill của công ty quản lý tài chính Ventura Wealth Management cho biết còn quá sớm để cho rằng thông tin trên sẽ không có nhiều tác động đến thị trường tài chính. Ông lưu ý rằng về tổng thể thị trường vẫn đang giảm so với mức đỉnh.
Chuyên gia của Ventura nói thêm rằng các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12. Ông sẽ thận trọng chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra với thị trường vào thời điểm đó.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có một tuần khá thành công với bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm.
Phiên đầu tuần 7/11, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi thị trường theo dõi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhà đầu tư cũng chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào thứ Năm (10/11) để xác định lộ trình tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Khép phiên giao dịch, Dow Jones tăng 1,3% lên 32.827,00 điểm. S&P 500 tăng 1,0% lên 3.806,80 điểm và Nasdaq tăng 0,9% lên 10.564,52 điểm.
Đà tăng tiếp tục trong phiên 8/11 khi thị trường tiếp tục theo dõi thông tin về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Khép phiên, Dow Jones tăng 1,0% lên 33.160,83 điểm. S&P 500 tăng 0,6% lên 3.828,11 điểm còn Nasdaq tăng 0,5% lên 10.616,20 điểm.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm trong phiên 9/11, khi các nhà giao dịch vật lộn với kết quả bầu cử bất phân thắng bại của Mỹ cùng biến động trên thị trường tiền điện tử.
Phiên này, Dow Jones mất gần 650 điểm (2%) xuống khép phiên ở mức 32.513,94 điểm. Chỉ số quan trọng này đã dứt chuỗi tăng kéo dài ba ngày vốn được xây dựng dựa trên kỳ vọng rằng đảng Cộng hòa sẽ giành được ít nhất một viện Quốc hội từ đảng Dân chủ, qua đó mang lại một kịch bản bế tắc được coi là “an toàn” cho các thị trường.
Chỉ số S&P 500 cũng sụt 2,1% xuống 3.748,57 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,5% và khép phiên ở mức 10.353.175 điểm.
[Chứng khoán Mỹ có ngày giao dịch sôi động nhất trong hơn 2 năm]
Sang phiên 10/11, chứng khoán Mỹ lại tăng mạnh nhờ dữ liệu cho thấy lạm phát của nước này đang tăng chậm lại. Điều đó dấy lên kỳ vọng rằng Fed sẽ bớt quyết liệt hơn trong các đợt nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 3,69% - hay 1.198,27 điểm lên 33.715,37 điểm. S&P 500 tiến 5,54% lên 3.956,31 điểm còn Nasdaq Composite tăng 7,35% và đóng cửa ở mức 11.114,15 điểm.
Cả hai chỉ số này đều ghi nhận mức tăng theo phần trăm hàng ngày lớn nhất trong hai năm rưỡi qua.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2022 của Mỹ đã tăng 7,7% so với tháng 10/2021, giảm so với mức của tháng Chín nhưng vẫn quanh mức khá cao.
Lạm phát trong tháng 10 của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 và giảm khá nhiều so với mức tăng 9,1% trong tháng Sáu - mức cao nhất trong 40 năm qua. Đây là lần đầu tiên trong tám tháng qua, tốc độ tăng CPI của Mỹ dưới mức 8%.
Với mức tăng trong phiên cuối tuần 11/11, chỉ số Dow Jones đã tăng 4,1% còn S&P 500 tiến 5,9% - tuần tốt nhất kể từ tháng 6/2022. Chỉ số Nasdaq cũng tăng tới 8,1%, đánh dấu mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2022.
Chiến lược gia đầu tư Karim El Nokali tại công ty quản lý đầu tư toàn cầu Schroders nhận định kỳ vọng Fed bớt diều hâu đang dần lan tỏa rộng hơn trong giới đầu tư.
Trong khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát chi phí sinh hoạt cao ở Mỹ, các nhà đầu tư đang cân nhắc xem liệu tốc độ tăng lãi suất đó có thể bắt đầu trở nên vừa phải sau khi lạm phát vào tháng 10 có dấu hiệu giảm bớt hay không.
Ông El Nokali cho rằng chu kỳ tăng lãi suất hiện thời diễn ra cực kỳ nhanh chóng và có thể sắp kết thúc - điều mà thị trường chắc chắn đang đón đợi.
Các nhà phân tích nhận định thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục tăng, nếu báo cáo lạm phát của tháng 10 chứng minh là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Nhà phân tích El Nokali cho biết ông hy vọng chỉ số S&P 500 có thể sẽ tiếp tục "dịch chuyển" trong phạm vi 3.200 đến 4.100 điểm, vì triển vọng địa chính trị vẫn còn "u ám" liên quan đến chiến tranh Nga - Ukraine và các yếu tố lạm phát vẫn chưa hoàn toàn mất ảnh hưởng ngay cả khi các số liệu lạc quan hơn.
Các thị trường chứng khoán đã “quay cuồng” khi Fed tăng lãi suất chính sách lên 3,75% trong thời gian chưa đầy 9 tháng để phục vụ cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 16% tính đến thời điểm này trong năm.
Theo chuyên gia El Nokali, rất khó để trở nên quá lạc quan vì định giá hiện không quá hấp dẫn. Ông nghĩ câu hỏi cho giai đoạn tiếp theo sẽ là Fed sẵn sàng chịu đựng lạm phát ở mức nào, vì không có khả năng lạm phát giảm xuống ngưỡng mục tiêu 2% do ngân hàng trung ương này đề ra trong tương lai gần./.