Mặc dù, vàng thế giới giảm mạnh trong bối cảnh USD tiếp tục đi lên nhờ những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vẫn được các chuyên gia trong ngành kỳ vọng có mức giá tăng trưởng cao sau khi họ công bố kết quả kinh doanh 6 tháng.
[Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong một năm]
Trải qua nửa chặng đường của năm 2018, PNJ đạt doanh thu thuần 7.357 tỷ đồng (tăng 34%/năm) và lợi nhuận sau thuế 517; tỷ đồng (tăng 37%/năm), đạt 59% kế hoạch cả năm (chỉ tiêu 882,4 tỷ đồng), với hệ thống 298 cửa hàng trong mạng lưới bán lẻ của PNJ, trong đó phần lớn tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển vọng từ thị trường bán lẻ
Theo Báo cáo từ phía Công ty, hoạt động bán lẻ duy trì đà tăng trưởng khả quan, với hiệu suất doanh thu tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 61% so với năm ngoái. Tại miền Bắc, mặc dù thị phần không chiếm ưu thế song hoạt động kinh doanh đã được cải thiện với mức doanh thu tăng đều và đáng nói là không có cửa hàng phát sinh lỗ.
Do đó, Công ty này tiếp tục đặt kế hoạch phát triển hệ thống cửa hàng với mục tiêu gia tăng thị phần bán lẻ là động lực chính. Cụ thể, hệ thống bán lẻ phấn đấu đạt quy mô 500 cửa hàng vào năm 2020.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư hơn 8 triệu USD triển khai nền tảng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý chuỗi cung ứng, kênh phân phối, quản lý rủi ro… khả năng đi vào sử dụng trong năm 2018 và 2019 và đây sẽ là công cụ hỗ trợ cho PNJ nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, đẩy mạnh doanh thu.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), thị trường vàng trang sức tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực đạt 7% năm 2017, trong đó hai quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ có mức tăng lần lượt là 3% và 12%.
Quay trở lại thị trường Việt Nam, nền kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi từ năm 2013 và khiến nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức tăng đều qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 10%/năm (giai doạn 2013-2017), đây là mức cao nhất trong khu vực châu Á. Thêm vào đó, tỷ lệ nhóm người tiêu dùng thuộc phân khúc trung bình và thượng lưu được dự báo tăng từ mức 14% lên 34% dân số vào năm 2020, mở ra thị trường tiềm năng cho ngành kinh doanh vàng và trang sức.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MBS nhận định, “hoạt động kinh doanh của PNJ tương đối tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế duy trì trạng thái năm nay cao hơn năm ngoái. Trong khi, tiền năng của ngành bán lẻ trang sức trong nước vẫn còn và PNJ vẫn chưa có đối thủ xứng tầm. Vì vậy, PNJ có nhiều khả năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.”
Đa dạng hóa doanh thu
Công bố gần đây từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí, mã cổ phiếu PNJ sẽ được thêm vào danh mục chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2018. Theo giới phân tích, điều này cho thấy chất lượng của cổ phiếu PNJ và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này là có triển vọng.
Đối với phân khúc bán buôn, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức – Công ty Chứng khoán Sài Gòn chỉ ra, nếu như trước đây PNJ chỉ bán sản phẩm của mình thì sang đến năm 2018, Công ty này đã lên kế hoạch nhập khẩu 30% trên tổng doanh thu bán buôn, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và từ đó thúc đẩy doanh thu. Hiện tại, sản phẩm nhập khẩu của họ đang chiếm khoảng 10% kênh bán buôn. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong 6 tháng qua đạt 18,1% và cao hơn mức 17% của cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, Báo cáo từ PNJ cũng cho biết, họ sẽ đẩy mạnh kinh doanh mảng đồng hồ từ năm 2019 với kỳ vọng lĩnh vực kinh doanh này sẽ mang về những khoản lợi nhuận lớn, trong bối cảnh thị trường đồng hồ trong nước “trống vắng” những thương hiệu nội địa uy tín.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Sơn cũng đề cập đến những rủi ro có thể xảy ra, với kế hoạch phát hành thêm gần 60 triệu cổ phiếu trong năm 2018, số lượng cổ phiếu của PNJ lên gần 167 triệu đơn vị và điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến mức thu nhập trên cổ phần của các cổ đông.
“Bên cạnh đó, sự hấp dẫn từ thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và trang sức nói riêng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, sự gia nhập của các đối thủ cạnh tranh có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh của PNJ. Ngoài ra, theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do, thuế suất nhập khẩu vàng và trang sức, mỹ nghệ tiến tới sẽ giảm về 0% , do đó thách thức đối với PNJ không chỉ từ các doanh nghiệp và các cửa hàng nhỏ lẻ trong nước mà còn có thể đến từ các doanh nghiệp nước ngoài,” ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đầu tư vẫn đánh giá cao về triển vọng đầu tư vào cổ phiếu PNJ. Cụ thể, đại diện của SSI dự kiến, với mức giá 95.000 đồng/cổ phiếu, PNJ đang giao dịch ở mức P/E khoảng 17 lần và giá mục tiêu một năm của mã cổ phiếu này sẽ là 120.000 đồng/cổ phần, mức P/E kỳ vọng là 20 lần.
Thậm chí, chuyên gia phân tích của MBS còn dự báo ở mức cao hơn với giá mục tiêu một năm của PNJ là 137.900 đồng/cổ phiếu, P/E kỳ vọng là 24 lần đồng thời cao hơn mức bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực.
“Mặc dù vậy, với vị thế là công ty chế tác và bán lẻ vàng, trang sức dẫn đầu trong phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam, mức P/E kỳ vọng trên là xứng đáng,” ông Sơn nhấn mạnh./.