Làm gì để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế?

Mọi ý tưởng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.
Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận tại hội thảo. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Với vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều lợi thế để phát triển, dịch vụ tài chính là một trong những loại hình dịch vụ đang được Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên tập trung phát triển, để từng bước phát triển thành trung tâm tài chính phục vụ khu vực, quốc gia và dần bước ra thế giới.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự quyết tâm hơn nữa để chủ trương này trở thành hiện thực, thay vì chỉ “dậm chân tại chỗ” như nhiều năm nay. Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/7.

Chủ trương có gần 20 năm vẫn… “dậm chân tại chỗ”

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cách đây 17 năm, định hướng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực phía Nam và sau đó là quốc tế đã được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 20-NQ/TW vào năm 2002.

Năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh giao Viện Phát triển kinh tế thành phố biên soạn Đề án xây dựng trung tâm tài chính đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Đến tháng 6/2010, đề án hoàn tất và trình lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau đó không thực hiện.

Như vậy, gần 20 năm trước, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức về một trung tâm tài chính quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Mọi ý tưởng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.

Đơn cử như tổng vốn huy động qua các định chế tài chính-tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội là 34%.

Cũng theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, dường như ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách. Nhất là khi Chính phủ quyết định sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thành Sở Giao dịch chứng khoán Viêt Nam, đặt trụ sở tại Hà Nội (Quyết định số 32/QĐ-TTg, ngày 7/1/2019).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, nhìn chung thị trường tài chính Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn. Lực cản lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân thành phố và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường tài chính đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển kể từ năm 2001. Lúc đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định “tài chính” là 1 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố. Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành tài chính giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm; đồng thời đóng góp khá nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên gia tài chính của Ngân hàng thế giới (World Bank) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Quyết tâm thực hiện vì lợi ích quốc gia

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đặt vấn đề liệu vào lúc này, Thành phố Hồ Chí Minh có còn đóng vai trò đầu tàu trong phát triển thị trường tài chính cả nước hay không? Và có thể khẳng định vị trí trung tâm tài chính với các nước trong khu vực?

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, so với 15 năm trước, vai trò đầu tàu trong thị trường tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh tự bản thân nó suy giảm chứ không hề tăng lên. Một phần cũng là do các tỉnh thành khác phát triển mạnh lên.

Vì thế, để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trước hết phải khẳng định vị trí đầu tàu trong kinh tế cả nước. Nếu mất vị trí này, đừng bao giờ nhắc về vị trí trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nữa.

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để thành phố thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương.

Bởi lẽ, các quy định về thể chế, chính sách được ban hành từ Trung ương. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự thay đổi trong tiếp cận, cần điều chỉnh theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như thế, thành phố mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới.

Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Trung tâm tài chính quốc tế được hiểu là một không gian đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng.

Vì vậy, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh nằm gần trung tâm sản xuất lớn của cả nước về càphê, lúa gạo, thủy sản… nên thành phố cần quan tâm đến việc hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của khu vực, của vùng.

Lý giải nguyên nhân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể xây dựng thành trung tâm tài chính như định hướng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chủ yếu là do Thành phố Hồ Chí Minh chưa đủ quyết tâm để thực hiện trong khi Trung ương cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, với vị trí vai trò đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước, việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế là lợi ích của cả nước chứ không chỉ riêng của thành phố.

Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm trở thành trung tâm tài chính vì cả nước và cùng cả nước để thực hiện.

Để thực hiện chủ trương trên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp như tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh việc triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thực hiện Đề án này; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, tăng tốc trong thực hiện chương trình chống ngập của thành phố cũng như hiện đại hóa quy hoạch đô thị.

Đồng thời, thành phố cần tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; trong đó quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp về tài chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ngành tài chính phát triển hơn nữa trong thời gian tới…

Dự kiến, tháng 10/2019, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế thành phố với chủ đề này nhằm lấy ý kiến chuyên gia, đề xuất các biện pháp cũng như thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong lộ trình xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và sẽ báo cáo kế hoạch cụ thể với Thủ tướng Chính phủ trong cuối năm nay.

Đến tháng  6/2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành đấu thầu xây dựng cơ sở vật chất của trung tâm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục