TP.HCM mong muốn chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu

Các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư nhiều dự án đô thị thông minh nên Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực này.
TP.HCM mong muốn chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu ảnh 1Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và EuroCham. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 11/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cùng lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã có buổi gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng các Hiệp hội thành viên của EuroCham.

Chia sẻ về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết dù là trung tâm kinh tế, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh có hạ tầng đô thị chưa hoàn chỉnh với nhiều điểm nghẽn như ngập nước, kẹt xe, môi trường... 

[Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò cầu nối với thị trường châu Âu]

Để giải quyết các vấn đề trên cũng như hướng tới sự phát triển bền vững, hiệu quả, thành phố đang triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, trong đó xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại giúp thành phố quản lý, điều hành thông minh hơn.

Hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng bốn trụ cột của Đề án là cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; Trung tâm An toàn thông tin.

Ngoài ra, thành phố cũng định hướng xây dựng Trung tâm Tài chính hiện đại, an toàn trong khu vực; triển khai kế hoạch xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông (gồm Quận 2, Quận 9, Thủ Đức) mang tính tương tác cao thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. 

TP.HCM mong muốn chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu ảnh 2Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trao đổi tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh không thể tự làm những điều nói trên mà cần sự hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư nhiều dự án đô thị thông minh nên Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực này. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cảm ơn về lòng tin và thiện chí hợp tác từ phía Thành phố Hồ Chí Minh với EuroCham trong thời gian qua, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ tạo cơ hội mở rộng giao thương giữa EU và Việt Nam. Việc này được kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam và ngược lại.

Ông Nicolas Audier cũng tin rằng sẽ có dòng vốn FDI chất lượng cao từ phía các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam cũng như vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều công nghệ hiện đại sẽ được chuyển giao.

TP.HCM mong muốn chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Âu ảnh 3Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam Nicolas Audier phát biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo Chủ tịch Nicolas Audier, nhiều thành phố ở châu Âu cũng gặp các vấn đề đô thị như Thành phồ Hồ Chí Minh và đã triển khai các giải pháp đầu tư để giải quyết. Các thành phố này đã xây dựng các dự án cung cấp dịch vụ công cho người dân, trên cơ sở hợp tác đối tác công tư (PPP) với sự tham gia của khu vực tư nhân. EuroCham muốn phát triển mô hình này tại Việt Nam, thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ hai bên cũng trao đổi các nội dung liên quan đến Hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào các vấn đề về chính sách thuế và hải quan; giao thông-vận tải và hậu cần; thuận lợi hóa thương mại; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông nghiệp; năng lượng xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.