Chính phủ Brazil cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 1/2017 chỉ đạt 0,38%, mức thấp nhất trong các tháng Giêng kể từ năm 1994 và thấp hơn gần ba lần so với con số được ghi nhận của cùng kỳ năm 2016 (1,27%).
Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), chỉ số giá tiêu dùng trong vòng 12 tháng gần đây ở mức 5,35%, giảm một nửa so với năm 2015.
Các chuyến gia dự báo với xu hướng lạm phát đi xuống hiện nay, Chính phủ Brazil có thể đạt mục tiêu giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống mức 4,5% trong năm 2017, thấp hơn mức trần cho phép là 6,0%.
Mức độ lạm phát trong tháng 1/2017 có thể còn thấp hơn nếu dịch vụ xe buýt công cộng không tăng 2,84%. Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng 3,1% và xăng tăng 0,84% cũng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng đầu của năm nay.
Trong cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Brazil, các chuyên gia kinh tế dự đoán tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay đạt 4,64%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 (4,31%). Trong năm 2016, tỷ lệ này của Brazil ở mức 6,29%, thấp hơn nhiều so với con số 10,67% trong năm 2015.
Trong bối cảnh Brazil đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập của người lao động giảm đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng. Kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% trong năm 2015 và âm 3,5% trong năm 2016. Đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Ngày 10/2, Chánh văn phòng Nội các Brazil Eliseu Padilha cho biết đã điều động lực lượng quân đội tới trấn áp cảnh sát và viên chức đình công khiến tình hình bạo loạn ngày càng leo thang, làm ít nhất 120 người thiệt mạng chỉ trong vòng 1 tuần.
Tuyên bố của Bộ trưởng Padilha được đưa ra sau khi làn sóng đình công của lực lượng cảnh sát và viên chức bang Espíritu Santo lan rộng tới bang Rio de Janeiro. Ông Pahilha nhấn mạnh để đảm bảo trật tự xã hội và an ninh, Chính phủ đã cử 2.000 binh sỹ quân đội tới Espíritu Santo và Río de Janeiro. Ông cảnh báo trong trường hợp cần thiết có thể cử hàng nghìn binh sỹ lực lượng quân đội tới Rio de Janeiro như hồi tháng Tám năm ngoái khi diễn ra Thế vận hội Olympics 2016.
Trong khi đó, nhiều chính trị gia nước này cho rằng cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay tại Brazil là hệ lụy của những vấn đề xã hội trầm trọng của đất nước và không loại trừ sẽ tiếp tục xảy ra bạo loạn ở nhiều nơi.
Sau hai năm Brazil rơi vào suy thoái, đa phần các bang của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn trầm trọng nguồn tài chính, ảnh hưởng tới việc trả lương cho các viên chức nhà nước. Tại nhiều nơi, tình trạng nợ lương của người lao động trong nhiều tháng diễn ra khá phổ biến./.