‘Làn sóng’ tẩy chay trên mạng: Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận?

Trong thực hành pháp lý có một nguyên tắc: Không ai có tội đến khi bị tòa kết án. Nhưng với văn hoá phê phán trên mạng ngày nay, nhiều người bị coi như tội phạm trước khi cơ quan thẩm quyền kết luận.
Nhiều cảm xúc tiêu cực được bày tỏ mạnh mẽ, trở thành 'làn sóng' có sức hủy diệt trên mạng xã hội và đặt ra câu hỏi về giới hạn của tự do ngôn luận trên môi trường 'ảo' này. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiều cảm xúc tiêu cực được bày tỏ mạnh mẽ, trở thành 'làn sóng' có sức hủy diệt trên mạng xã hội và đặt ra câu hỏi về giới hạn của tự do ngôn luận trên môi trường 'ảo' này. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong thời gian qua, giới giải trí tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều diễn viên, ca sĩ hay người nổi tiếng nói chung vướng vào các lùm xùm về từ thiện, vấn đề đời tư hay sự nghiệp… Nhiều sản phẩm giải trí, nghệ thuật có họ góp mặt cũng chịu sự tấn công trên mạng xã hội. Những "làn sóng" tẩy chay, kêu gọi tẩy chay bắt đầu xuất hiện.

Để hiểu rõ hơn về bản chất hiện tượng tẩy chay, kêu gọi tẩy chay cũng như các tác động của nó, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Trà My - Thạc sỹ Phân tích và Phê bình Đại học Goldsmiths (Anh). Hiện bà Trà My là thành viên Ban giám hiệu phụ trách chương trình giáo dục và phát triển cá nhân tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội).

Nhận diện tẩy chay trên mạng xã hội

- Trước những vụ lùm xùm liên quan đến người nổi tiếng xảy ra vừa qua, khán giả Việt Nam được cho là đã tham gia vào những "làn sóng" tẩy chay hoặc kêu gọi tẩy chay trên mạng. Vậy nguồn gốc của hiện tượng tẩy chay hay kêu gọi tẩy chay này đến từ đâu?

Bà Bùi Trà My: Việc không hài lòng với ai đó hay một sản phẩm nào đó và đứng ra kêu gọi tẩy chay không phải hiện tượng gì mới trong xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng thấy nó xuất hiện từ trẻ nhỏ khi chúng rủ nhau không chơi với một bạn nào đó vì đủ lý do như trang phục, diện mạo, gia đình, hay đơn giản là muốn mình nổi bật hơn.

Xuất hiện từ sớm như vậy, nhưng phải đến khi có mạng xã hội, hiện tượng này mới trở nên mạnh mẽ như hiện nay. Mạng xã hội trao cho công chúng một quyền lực rất lớn, đó là trò chuyện trực tiếp với đám đông và kêu gọi đám đông.

‘Làn sóng’ tẩy chay trên mạng: Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? ảnh 1Thạc sỹ Bùi Trà My. (Ảnh: NVCC)

Chúng ta có thể tưởng tượng ra sự khác nhau giữa việc có năm khách hàng đang bực bội ở năm thành phố khác nhau, so với với năm khách hàng đang bực bội ở cùng một căn phòng. Tệ hơn là căn phòng đó được truyền hình trực tiếp trên mạng. Sự không hài lòng tập thể kéo theo nhiều hệ quả hơn là sự bất mãn cá nhân. Kêu gọi tẩy chay một sản phẩm, một công ty hay một cá nhân có thể là một trong số đó.

- Có ý kiến cho rằng ở thời điểm hiện nay, khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn nhiều thì việc tẩy chay đã trở thành "làn sóng" có sức tàn phá ghê gớm. Bà có nhận định gì về ý kiến này?

Bà Bùi Trà My: Trước khi nói về hiện tượng tẩy chay/kêu gọi tẩy chay, tôi cho rằng cần bóc tách ảnh hưởng của mạng xã hội đối với người dùng.

Thứ nhất, những nút like, nút share đã được chứng minh là khiến cho lượng dopamine – một hormone mang lại niềm vui tăng lên và có thể gây nghiện (tương tự như khi ăn đồ ăn ngon hay sử dụng chất kích thích).

Thứ hai, mạng xã hội cũng khiến người dùng rơi vào trạng thái "FOMO" (“fear of missing out” - nỗi sợ bị bỏ lỡ), sợ mình lỡ không đọc tin về ca sỹ A, sợ mình lỡ bình luận bình phẩm về nghệ sỹ B, tất cả mọi người đang chê bai chủ doanh nghiệp C, mình cũng nên viết điều gì đó.

[Hiệu ứng đám đông mùa dịch COVID-19]

Cá nhân tôi cho rằng, hai điều trên, dù vô tình hay hữu ý, đều đang trở thành hai động cơ lớn khiến nhiều người tham gia vào các cuộc bình luận, tẩy chay người nổi tiếng trên mạng. Và khi sa đà vào đó rồi thì rất khó dứt ra.

Không ai là tội phạm đến khi tòa tuyên án

- Thực tế cho thấy có hiện tượng gười kêu gọi tẩy chay không chỉ ngừng ủng hộ một cá nhân hay một sản phẩm, mà còn muốn hủy hoại sự nghiệp của người đó hoặc muốn sản phẩm này không bao giờ xuất hiện trên kệ nữa. Theo bà, đây có phải là “đặc điểm riêng có” ở Việt Nam?

Bà Bùi Trà My: Ở Việt Nam hay quốc gia nào cũng vậy, sự ra đời của không gian mạng cho phép các tiếng nói được bày tỏ và lắng nghe một cách thoải mái và đa dạng hơn trước. Thực tế này giúp xã hội chúng ta có thêm nhiều ý tưởng hay và sáng tạo đồng thời tạo ra một làn sóng say mê thể hiện tư tưởng của cá nhân. Trong làn sóng đó, có người chọn cách chừng mực và dùng lý lẽ, có người sẽ cảm xúc hơn.

‘Làn sóng’ tẩy chay trên mạng: Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? ảnh 2Nhiều nghệ sỹ bị kêu gọi tẩy chay gay gắt trong thời gian qua.

Điều có thể, tôi nhấn mạnh từ “có thể,” khiến Việt Nam khác biệt so với nhiều quốc gia: Các chuẩn mực đạo đức và hệ giá trị truyền thống được coi trọng, mức độ tôn trọng sự đa dạng và khác biệt còn chưa cao, văn hóa phê phán còn cảm tính nên dễ lẫn lộn. Ví dụ đối với một nghệ sỹ, vì cần lên án việc làm A mà lên án luôn cả việc làm B dù việc làm ấy đáng trân trọng.

Bên cạnh đó, việc thiếu niềm tin vào công lý cũng có thể là một lý do khiến công chúng chọn cách tự “kết án” bằng cách tẩy chay một công ty, một sản phẩm hay một cá nhân.

Trong thực hành pháp lý có một nguyên tắc: Không ai là tội phạm cho đến khi toà tuyên án. Nhưng với văn hóa phê phán trên mạng xã hội theo cách chúng ta đang nhìn thấy, nhiều người có thể đã bị xã hội kết án trước khi cơ quan có thẩm quyền kịp đưa ra lời kết luận.

- Cũng có ý kiến cho rằng mặt tích cực của việc tẩy chay hay kêu gọi tẩy chay sẽ khiến người nổi tiếng phải điều chỉnh bản thân để giành lại sự yêu mến của khán giả. Bà bình luận gì về ý kiến này?

Bà Bùi Trà My: Tôi đoán nhiều người sẽ trích dẫn cuốn “Tâm lý học đám đông” để nói về sự nguy hiểm và mù quáng của đám đông trong những cuộc tẩy chay và kêu gọi tẩy chay này. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc tới một khía cạnh khác nữa mà tôi tin: Trí tuệ của đám đông.

[Chế tài lớn nhất với nghệ sỹ là sự nghiêm khắc của công chúng]

Một cách tự nhiên, một cộng đồng người rồi sẽ tìm ra cách để sống sót. Trong một vài thời điểm, dù không được lên kế hoạch từ trước, lên án hay tẩy chay có thể đã trở thành chiến lược sinh tồn tập thể với mong muốn xã hội mình đang sống trong sạch hơn, công bằng hơn…

Công chúng và người dân bây giờ tiếp cận với thông tin đa dạng hơn trước rất nhiều, lối sống và quan điểm cũng ngày càng khác nhau. Một cách tự nhiên, tôi tin rằng sản phẩm tốt, con người tốt sẽ dần được ghi nhận và được bảo vệ khi bị tấn công.

Giới hạn của sự tự do trên mạng xã hội

- Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, nhưng theo bà đâu là giới hạn của sự tự do khi tham gia mạng xã hội?

Bà Bùi Trà My: Mạng xã hội cho chúng ta cơ hội để nói ra tiếng nói của mình tới đông đảo mọi người, thúc đẩy sự dân chủ và đa dạng xã hội. Tất nhiên cùng với đó, ta sẽ đối diện với những cách biểu đạt khó nghe, tấn công cá nhân, nói xấu, tẩy chay cá nhân hay tổ chức, nhóm người. Giới hạn của tự do biểu đạt thực ra được quy định rất rõ trong Công ước quốc tế về Quyền con người của Liên hợp quốc (ICCPR) và Luật An ninh mạng Việt Nam (2018).

Quyền tự do biểu đạt, theo đó được hiểu là: Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt cũng như giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

‘Làn sóng’ tẩy chay trên mạng: Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? ảnh 3Quang cảnh Trung tâm điều hành an ninh mạng SOC tỉnh Thái Bình. (Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

Về giới hạn của sự tự do này, ICCPR nêu rõ việc thực hiện những quyền này cũng đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, tức những hạn chế được quy định trong pháp luật. Cùng với đó là sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.

Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng (2018) có đề cập đến một số hành vi vi phạm liên quan đến các giới hạn này như: Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc...

-  Là một nhà quản lý trong ngành giáo dục, xin bà chia sẻ những kỹ năng mà người trẻ (nhóm dưới 18 tuổi và từ 18-30 tuổi) cần để sử dụng mạng xã hội an toàn đồng thời nhận thức về trách nhiệm của bản thân khi tham gia môi trường số?

Bà Bùi Trà My: Từ những giải thích trên, tôi cho rằng việc hướng dẫn thế hệ trẻ trở thành công dân số tỉnh táo và tích cực là một việc quan trọng được dạy trong trường học bên cạnh các chương trình học thuật, kỹ năng khác.

Trẻ em, thậm chí là cả người lớn, cần được hướng dẫn để làm chủ sự hiểu biết và ứng xử của mình đối với truyền thông, tin tức (news & media literacy) và bối cảnh kỹ thuật số (digital literacy).

Hiểu về truyền thông là hiểu truyền thông đang có sức mạnh, vai trò gì trong việc định hình nên thế giới quan của chúng ta, từ đó like/share có trách nhiệm và tạo ra thông tin khách quan, hữu ích, chừng mực.

‘Làn sóng’ tẩy chay trên mạng: Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? ảnh 4Người trẻ dùng mạng xã hội cần nhiều kỹ năng để biết cách giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiểu về bối cảnh kỹ thuật số là hiểu về dấu chân kỹ thuật số của bản thân và cách công nghệ đang len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống của con người, như sự riêng tư, tương tác xã hội, cơ hội học tập-làm việc, sự tự do hoặc mất tự do… để từ đó ra những quyết định an toàn và hiệu quả cho bản thân và người khác.

Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cũng nên biết các thuật toán đang tác động như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận về thế giới, có những hiện tượng tâm lý xuất phát từ không gian mạng và cách để để giữ cho bản thân an toàn, khoẻ mạnh trong bối cảnh kỹ thuật số.

Không chỉ phụ thuộc vào trường học, các nguồn tài liệu, khoá học mở miễn phí uy tín cũng có rất nhiều trên mạng để bất kỳ ai cũng có thể truy cập.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bà Bùi Trà My tốt nghiệp Thạc sỹ Phân tích sáng tạo phê bình tại Đại học Goldsmiths (Anh), hiện đang là thành viên Ban giám hiệu phụ trách giáo dục chương trình phòng ngừa tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia đồng thời tham gia giảng dạy các bộ môn Xã hội học, Truyền thông đại chúng.

Các vấn đề nghiên cứu của bà xoay quanh văn hóa thanh thiếu niên, văn hóa đô thị, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và kỹ thuật số. Một số dự án bà Trà My đã thực hiện gồm Khóa học “Nâng cao hiểu biết truyền thông cho người Việt trẻ” (2018-2020, Đại sứ quán Mỹ); Nghiên cứu về Thái độ của người dân Việt Nam với tự do biểu đạt (2014, Oxfam); Khóa học “Đọc báo tỉnh táo dành cho học sinh cấp 3” tại Hà Nội cùng nhiều nghiên cứu và chương trình giáo dục khác.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục