Lao động nước ngoài rút khỏi Qatar do xung đột ngoại giao vùng Vịnh

Mỗi giờ có 57 lao động nước ngoài rời Qatar sau khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, khiến số lượng nhân công nước ngoài làm việc tại đây trong quý 2 giảm 6,2% so với quý trước đó.
Lao động nhập cư tại Qatar. (Nguồn: Al Jazeera)

Truyền thông khu vực ngày 17/8 đưa tin số lao động nước ngoài làm việc tại Qatar đã giảm 6,2% trong quý 2/2017 khi có tới 123.860 lao động nước ngoài đã rời quốc gia vùng Vịnh này, sau khi một loạt quốc gia Arab do Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Doha.

Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông dẫn trang tin tức All-Iqtisadi của Saudi Arabia cho hay mỗi giờ có 57 lao động nước ngoài rời Qatar sau khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, khiến số lượng nhân công nước ngoài làm việc tại đây trong quý 2/2017 giảm 6,2% so với quý trước đó.

Đây là mức giảm theo quý lớn nhất tại Qatar kể từ đầu năm 2016 tới nay. Trong quý 2 vừa qua, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Qatar đạt 1,88 triệu người. Hiện lĩnh vực tư nhân cũng như nhà nước của Qatar dựa chủ yếu vào lực lượng lao động nước ngoài, chiếm 94,8% tổng số nhân lực cả nước.

Quan hệ giữa Qatar với một số quốc gia Arab và vùng Vịnh đã trở nên căng thẳng kể từ hôm 24/5, sau khi hãng thông tấn nhà nước QNA của Qatar dẫn tuyên bố của Quốc vương nước này Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani chỉ trích chính sách ngoại giao của các nước vùng Vịnh với Iran là "không khôn ngoan."

Hôm 5/6, Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố.

Ngày 23/6, bốn nước Arab đưa ra yêu sách gồm 13 điểm với Qatar, trong đó yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran, ngừng cung cấp tài chính cũng như hỗ trợ các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị cấm hoạt động, và chấm dứt sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục