Chính phủ vừa đồng ý nội dung dự thảo Hiệp định thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về thú y và bệnh truyền lây từ động vật sang người (ACCAHZ).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thay mặt Chính phủ nước ta ký Hiệp định ACCAHZ.
Trong những năm qua, thế giới liên tục ghi nhận sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola...
Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia, các tổ chức quốc tế và mỗi người dân phải có những nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy sự hợp tác, cam kết trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật sang người, nhằm hướng tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm.
Ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, có tính phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, điển hình là việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) cũng đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2013 với sự tham gia tích cực của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO và USCDC) nhằm điều phối và đáp ứng tốt hơn với các bệnh dịch mới nổi, trong đó có các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Ở cấp khu vực, Việt Nam với vai trò là nước đi đầu trong khu vực ASEAN đã phối hợp với các nước thành viên xây dựng Chiến lược loại trừ bệnh dại của khu vực ASEAN.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược này với mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh dại ở các nước trong khu vực và duy trì các vùng không có bệnh dại của khu vực ASEAN đến năm 2020.../.