Giới chức quốc phòng Mỹ ngày 29/7 đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhận mà Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran vừa đạt được, song khẳng định quân đội Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Đông nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng của Tehran.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Vienna (Áo) vừa qua là một "giải pháp tốt," giúp loại bỏ một căn nguyên của những mối đe dọa và sự bất ổn tại Trung Đông thông qua việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo quan chức quốc phòng Mỹ, việc thực thi thành công thỏa thuận hạt nhân sẽ "tốt hơn" so với việc sử dụng hành động quân sự vì giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và khó có thể khiến Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Nhằm trấn an những quan ngại của một số nhà lập pháp cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran có thể gây phương hại đến an ninh của các đồng minh trong khu vực, Bộ trưởng Carter nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ luôn chú trọng duy trì sự ổn định tại Trung Đông, bảo vệ Israel, đẩy lùi Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng và đóng vai trò như "một bức tường thành" kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì "tình trạng phản ứng nhanh" trong khu vực trong trường hợp Iran có những hành động gây hấn.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Carter, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ giúp ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ có thêm thời gian để hợp tác với các đồng minh chống lại IS. Ông nêu rõ việc triển khai thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran cũng sẽ góp phần củng cố phương án quân sự trong trường hợp cần thiết, do việc Iran cho phép giám sát và tiếp cận các cơ sở hạt nhân sẽ giúp Mỹ hiểu rõ hơn về các cơ sở này trong trường hợp phải can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, quan chức trên cũng cho biết đã đề xuất Nhà Trắng duy trì các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo và việc mua bán vũ khí của Iran nhằm kiềm chế những hành động gây hấn của nước Cộng hòa Hồi giáo này "càng lâu càng tốt.”
Theo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani và cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, đổi lại những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ được từng bước dỡ bỏ.
Hiện Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ khi cho rằng Tehran có thể trốn tránh việc thanh tra và sử dụng nguồn tài chính có được sau khi các biện pháp trừng phát được dỡ bỏ để gây bất ổn khu vực.
Dự kiến các cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ về thỏa thuận trên sẽ diễn ra vào tháng Chín. Tổng thống Barack Obama trước đó đã tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận trên.
Tuy nhiên, theo luật định, quyền này sẽ bị bác bỏ nếu có 2/3 nghị sỹ phản đối. Vì vậy, để bảo lưu quyền phủ quyết của mình, chính quyền Tổng thống Obama cần phải giành được sự ủng hộ của các nghị sỹ Dân chủ tại Quốc hội lưỡng viện./.