Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) chính thức bế mạc tối 23/5 tại Cung Điền kinh trong nhà (thành phố Hà Nội).
Đây là sự kiện khép lại cho một một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực do Việt Nam tổ chức.
Ấn tượng, thành công, để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè các quốc gia trong khu vực.
Ấn tượng và thành công
SEA Games 31 là một Đại hội thể thao khác biệt so với các kỳ đại hội trước - trong tổng số 40 môn thể thao với 523 nội dung thi đấu được tổ chức ở Việt Nam có tới 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) và 3 môn thể thao Đông Nam Á.
Các con số ấn tượng như 1.341 vận động viên tham dự, 30 kỷ lục mới được xác lập, 2,970 tình nguyện viên phục vụ...
“Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo đúng quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu theo thế mạnh của mình, hạn chế thế mạnh của đối thủ. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tổ chức được một kỳ Đại hội thể thao sòng phẳng và công bằng,” đây là nhận xét của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn.
Kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 Huy chương Vàng, vượt chỉ tiêu đề ra (140 Huy chương Vàng); đồng thời phá vỡ siêu kỷ lục nhiều Huy chương Vàng nhất trong một kỳ Đại hội mà Indonesia lập được năm 1997 (194 Huy chương Vàng).
SEA Games 31 đã trở thành cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam kể từ khi tham gia tranh tài ở "đấu trường" Đông Nam Á.
Không chỉ thiết lập cột mốc lịch sử mới, tại kỳ Đại hội này, Thể thao Việt Nam cũng mang về chiến tích lừng lẫy khi hai nhà đương kim vô địch - Đội tuyển U23 quốc gia và Đội tuyển nữ quốc gia - đã bảo vệ thành công ngôi vô địch bóng đá SEA Games.
Tại kỳ SEA Games này, hàng loạt các môn thể thao có mặt trong chương trình Olympic cũng đóng góp nhiều thành tích ấn tượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu, tiêu biểu như 7 Huy chương Vàng ở môn bắn súng, 5 Huy chương Vàng ở môn Thể dục dụng cụ, 3 Huy chương Vàng và 6 kỷ lục Đại hội môn Cử tạ, 5 Huy chương Vàng ở môn Đấu kiếm, 8 Huy chương Vàng Canoe, 8 Huy chương Vàng môn Rowing, 3 huy chương Vàng môn Boxing, 17 Huy chương Vàng ở môn Vật...
Hai môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi đã đem về tổng số 33 Huy chương Vàng, chiếm gần 20% trong tổng số Huy chương Vàng mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31.
Ở môn Điền kinh, ngoài 22 tấm Huy chương Vàng, điểm sáng đáng chú ý nhất là việc thiết lập hai kỷ lục Đại hội mới.
[Thủ tướng Phạm Minh Chính: SEA Games 31 của tình đoàn kết và hữu nghị]
Nguyễn Thị Oanh phá vỡ kỷ lục cũ của chính mình ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bằng. Vận động viên Lò Thị Hoàng cũng vượt qua kỷ lục 55m97 ở nội dung Ném lao nữ đã tồn tại suốt 15 năm qua bằng kỷ lục mới 56m37.
Trong môn bơi, các kình ngư Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu huy chương, còn kiến tạo thành tích mở ra hy vọng ở đấu trường lớn hơn. Đó là giành hai suất tham dự Giải vô địch thế giới 2022 (400m tự do, 1.500m nam) trong số 4 tấm vé mà các kình ngư Đông Nam Á giành được từ các cuộc thi đấu tại SEA Games.
Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31 đã lựa chọn 4 gương mặt tiêu biểu để đề cử vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31.
Trong 4 gương mặt này, Thể thao Việt Nam có 2 ứng cử viên là tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng và tuyển thủ Điền kinh Nguyễn Thị Oanh.
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 3 Huy chương Vàng cá nhân, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng đoạt 4 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Vàng đồng đội, phá 2 kỷ lục SEA Games.
Tại Lễ bế mạc, khi được vinh dự lên sân khấu nhận danh hiệu Vận động viên xuất sác nhất SEA Games 31, vận động viên Điền kinh Nguyễn Thị Oanh vô cùng xúc động: “Đây là một kỳ SEA Games vô cùng ý nghĩa và đặc biệt khi được khoác trên người màu cờ, sắc áo và thi đấu ngay trên đất nước mình. Tôi cảm thấy hài lòng với thành tích mà bản thân đạt được tại SEA Games 31, đặc biệt là phá được kỷ lục tại nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.”
Nguyễn Thị Oanh chia sẻ, mỗi một kỳ SEA Games khép lại đều để cho Oanh một ấn tượng nhất định. Với SEA Games 31 được tổ chức tại sân nhà Việt Nam, Oanh cảm thấy hạnh phúc khi nhận được rất nhiều tình cảm của người hâm mộ.
Đó chính là nguồn động lực lớn để các vận động viên cố gắng, thi đấu hết khả năng của mình và là bước đệm để cá nhân tôi sẵn sàng chinh chiến ở các cuộc thi tiếp theo.
Cũng như thông điệp của SEA Games là “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn,” Nguyễn Thị Oanh mong muốn các vận động viên, đặc biệt là vận động viên trẻ hãy mạnh mẽ hơn với những mục tiêu mình đặt ra và kiên trì đi trên con đường để đến thành công của mình.
Lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp
Tại Lễ bế mạc, ông Chamroeum Vath, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Campuchia chia sẻ: Kết thúc 2 tuần SEA Games tại Việt Nam, các thành viên trong đoàn cảm thấy rất tốt, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và hài lòng.
Đây là lần thứ 2 ông Chamroeum Vath đến Việt Nam để tham dự SEA Games. Sau 19 năm, ông Chamroeum Vath vô cùng ngạc nhiên trước sự khác biệt rất lớn, sự thay đổi vượt trội của Việt Nam trong mọi lĩnh vực và sự phát triển nhanh hiện đại hơn của thành phố Hà Nội.
“Tôi và toàn bộ đoàn vận động viên của Campuchia được tiếp đón rất chu đáo, nhiệt tình, điều kiện ăn, nghỉ ngơi, đi lại rất tốt và thời tiết rất mát mẻ, dễ chịu. Chúng tôi được thưởng thức nhiều món ngon và phở là món chúng tôi yêu thích vì hương vị rất riêng biệt. Kỳ SEA Games này cũng có nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị hơn đối với chúng tôi. Những trải nghiệm của tôi ở Hà Nội là vô cùng thú vị. Thay mặt đoàn vận động viên Campuchia, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban tổ chức SEA Games 31. Tôi thật sự hài lòng với kỳ SEA Games 31,” ông Chamroeum Vath chia sẻ cảm nhận.
Là quốc gia sẽ đăng cai SEA Games 31, ông Chamroeum Vath cho biết thêm: "Từ SEA Games 31, chúng tôi học được một điều vô cùng quan trọng ở Việt Nam. Đó là nụ cười thân thiên, thường trực trên khuôn mặt của người dân ở những nơi chúng tôi đến, đặc biệt là nụ cười của người Hà Nội đã lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp trong tôi. Trong kỳ SEA Games năm nay, đoàn Campuchia không đặt ra mục tiêu quá lớn vì thành tích của chúng tôi còn khiêm tốn. Là quốc gia đăng cai SEA Games 31, mục tiêu của chúng tôi là giới thiệu đất nước, con người Campuchia hiếu khách, nồng hậu cũng như những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, du lịch. Quan điểm của Campuchia tại SEA Games là không đặt vấn đề thắng hay thua mà vấn đề quan trọng là để các quốc gia biết nhiều hơn về đất nước và con người của quốc gia đăng cai tổ chức.”
Người dẫn chương trình (MC) Nguyễn Thụy Vân chia sẻ: "Tôi cảm thấy vinh dự, hồi hộp và có chút phấn khích khi được cùng Đức Bảo dẫn chương trình bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 được tổ chức tại Việt Nam."\
Theo MC Thụy Vân, điểm đặc biệt nhất của chương trình Lễ bế mạc những dư âm chương trình để lại, một bức tranh Việt Nam với nhiều bản sắc văn hoa dân tộc được gửi tới bạn bè quốc tế.
Lễ bế mạc có những sắc màu hiện đại, trẻ trung để cùng hoà nhịp với 5 châu, 4 bể nhưng vẫn gửi gắm và gìn giữ những nét truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Lần đầu tiên tham gia tác nghiệp tại một Đại hội thể thao lớn, phóng viên Nguyễn Mạnh Quân (Báo Dân Trí) đã có cơ hội tác nghiệp tại 10/40 môn thi đấu của SEA Games 31.
Theo phóng viên Mạnh Quân, đây là kỳ SEA Games khá thành công so với dự kiến ban đầu.
“Những kỷ niệm về SEA Games cũng như những kinh nghiệp tác nghiệp báo chí sẽ là hành trang theo tôi trong quãng đời phóng viên. Chương trình lễ bế mạc sâu lắng, đặc biệt lắng nghe phát biểu của Thủ tướng chính phủ, nhìn lại những hình ảnh trong suốt kỳ SEA Games cũng như được xem những biểu diễn dàn dựng công phu, tôi cảm thấy hạnh phúc, hài lòng,” phóng viên Mạnh Quân chia sẻ.
Có thể nói, Việt Nam đã có một kỳ đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 vô cùng thành công. Bên cạnh những thành tích mà các vận động viên đạt được thì tình cảm nồng ấm của người Việt Nam dành cho các nước bạn đều khiến họ cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách và tinh thần thể thao của người dân Việt Nam./.