Trong một bài đăng trên Nhật báo Le Figaro, tác giả Jean Licourt mô tả một hòn đảo nhân tạo có dạng sân bay và Trung Quốc đang trong quá trình bồi đắp hàng ngàn tấn đất trên một rạn san hô để xây dựng thành đường băng.
Theo tác giả, mục đích của Trung Quốc là nhằm xác định sự chiếm đóng trên khu vực chiến lược đang có nhiều tranh chấp - Biển Đông.
Cho tới nay, đa phần đảo Fiery Cross, hay còn gọi là Yong Shu, theo tiếng Trung Quốc, vẫn còn nằm dưới mặt nước, trừ một vài bãi đá và một phần diện tích bêtông nhân tạo, đang được canh giữ bởi một nhóm lính nhỏ.
Các hình ảnh từ vệ tinh HIS đã cho thấy rằng từ vài tháng nay, các tàu biển Trung Quốc vẫn lượn lờ quanh khu vực. Các hình ảnh này cũng cho thấy từ các lớp trầm tích san hô nay đã xuất hiện từ dưới nước các đường băng dài 3000m, chỗ rộng nhất lên đến 300m.
Một cảng phía đông hòn đảo, cũng đang được xây dựng bởi các tàu nạo vét của Trung Quốc. Nơi này đủ lớn để ''đỗ các tàu chở dầu hoặc tàu chiến cỡ lớn,'' theo các chuyên gia HIS đánh giá.
Yong Shu nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa, một lãnh thổ nằm giữa khu vực Biển Đông nơi đang có các tranh chấp rắc rối, với tổng diện tích 5km2 trong khu vực 410.000km2.
Một khu vực chiến lược
Trong một báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã nhắc lại các tuyên bố của Bắc Kinh dựa trên cơ sở lịch sử: ''Trung Quốc tuyên bố rằng các ngư dân Trung Quốc thường xuyên hoạt động ngoài Biển Đông từ thời đại Tam Quốc (220-265).'' Nhưng theo bản báo cáo, cho đến những năm 1980 Trung Quốc mới thực sự chú ý đến các hòn đảo đó. Năm 1987, Trung Quốc chiếm được bảy đảo. Năm năm sau, Trung Quốc đã chiếm lại được toàn bộ quần đảo.
Việc Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vùng biển này không phải vì muốn tưởng niệm những ngư dân Trung Quốc trong quá khứ, mà vì khu vực này, tuy không được công chúng biết tới, lại là một nơi có địa thế chiến lược quan trọng. Nơi đây là điểm giao giữa con đường từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là con đường giao thông giữa châu Âu và châu Á.
Gần một phần ba thương mại hàng hải thế giới đi qua nơi này, trong đó thương mại Trung Quốc chiếm đến 90%. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng vận chuyển một nửa nguồn tài nguyên năng lượng của họ qua nơi này. Nếu như dự trữ dầu mỏ hiện có dấu hiệu khan hiếm, thì ngược lại những mỏ khí đốt tại đây lại khá dồi dào. Theo báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng, khu vực này có thể chiếm tới 13% dự trữ dầu thế giới.
Quần đảo Hoàng Sa
Bên cạnh các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc, việc tạo ra vùng đất mới này nhằm chiếm đóng khu vực Biển Đông: theo luật quốc tế, việc phân bổ về vùng đặc quyền kinh tế được xác định bởi việc sở hữu một lãnh thổ duyên hải.
Trung Quốc một lần nữa lặp lại chiến lược đã từng được áp dụng ở phía Bắc, trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi cũng đã từng bị Trung Quốc chiếm đóng. Bắc Kinh đã xây dựng tại đây một đường băng và một khu cảng. Trong những năm 1970, một cuộc giao chiến ngắn ngủi giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phải trả giá bởi mạng sống của 70 thủy thủ và làm đắm ba tàu của Việt Nam. Sau sự kiện này, sự xuất hiện của người Trung Quốc đã được xác nhận trên quần đảo.
Tháng 5/2014, Trung Quốc đã sử dụng cơ sở lãnh thổ này để biện minh cho việc lắp đặt giàn khoan dầu mỏ trong vùng nước quần đảo Hoàng Sa, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với Việt Nam./.