Lễ hội đền Đồng Cổ tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc”

Ngày 19/4 (ngày 15/3 Âm lịch), Lễ hội đền Đồng Cổ đã diễn ra tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, để tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc” đó là thần Trống đồng “Đồng Cổ Sơn Thần.”
Múa rồng tại Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2019. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Hướng tới kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019), ngày 19/4 (ngày 15/3 Âm lịch), Lễ hội đền Đồng Cổ đã diễn ra tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc” đó là thần Trống đồng “Đồng Cổ Sơn Thần.”

Di tích Quốc gia núi và đền Đồng Cổ nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định. Đây là ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

Truyền thuyết kể lại rằng xưa kia, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc.

Nhà vua làm theo, quả nhiên quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng. Tưởng nhớ thần Đồng Cổ, từ thời Hùng Vương, năm 2569 - trước Công nguyên, miếu Đồng Cổ đã được khởi dựng.

Đến thời Lý, năm 1020 miếu được sửa sang lại, vua Lý Thái Tông cho rước thần Ðồng Cổ từ làng Ðan Nê về lập đền thờ trên đất Thăng Long. Đền Đồng Cổ là nơi được các triều vua lựa chọn để tiến hành nhiều nghi lễ quan trọng của quốc gia. Bởi vậy, cho tới ngày nay, tại đền vẫn lưu giữ lại được những bản sắc phong, thần tích có giá trị.

[Đền thờ Lê Hoàn đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt]

Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đền Đồng Cổ đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ.

Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc Di tích đền Đồng Cổ được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đền thờ thần Đồng Cổ làng Đan Nê chung đúc khí thiêng sông núi, ngoài ra còn có 3 địa danh thờ vọng thần Đồng Cổ là đền Đồng Cổ ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội; miếu Đồng Cổ ở làng Nguyên Xá, xã Phú Minh, Từ Liêm, Hà Nội và đền ở làng Mỹ Đà, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2019 là một trong những hoạt động quan trọng gắn với kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa với tư cách Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương có từ thời Lý và tên gọi ấy cho tới hôm nay.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn không gian sơn thủy hữu tình với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

Trong tương lai không xa, cùng với Thành nhà Hồ, Khu Di tích Lam Kinh, Đền Đồng Cổ sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh, điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch xứ Thanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục