Lễ hội Dinh Cô được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định việc Lễ hội Dinh Cô trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản VN.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định đưa Lễ hội truyền thống - Lễ hội Dinh Cô vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia cho đại diện Ban quản lý Dinh Cô và lãnh đạo UBND huyện Long Điền. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 2/3, Lễ hội Dinh Cô (hay còn gọi là Lễ giỗ Cô, Lễ vía Cô) đã diễn ra tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân huyện Long Điền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Lễ hội truyền thống - Lễ hội Dinh Cô vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đặng Minh Thông khẳng định, việc Lễ hội Dinh Cô được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là bà con ở vùng biển Long Hải, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Dinh Cô; đồng thời đa dạng hóa các hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị Lễ hội Dinh Cô Long Hải, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế tại địa phương.

Lễ hội Dinh Cô là một trong những lễ hội lớn ở vùng biển Nam Bộ, tổ chức tại Dinh Cô-Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở thị trấn Long Hải, cầu cho quốc thái dân an, đặc biệt là cầu cho ngư dân làm ăn được mùa

Theo tương truyền, vào giữa thế kỷ XIX có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (còn gọi là Thị Cách) bị tử nạn trên biển và trôi dạt vào bờ biển Long Hải. Người thiếu nữ này rất linh thiêng, thường hiển linh phù trợ ngư dân đánh bắt cá nên được ngư dân gọi là "Long Hải Thần Nữ” và được người dân thờ cúng.

Ban đầu Dinh Cô chỉ là ngôi miếu nhỏ, mái tranh vách đất, nằm kề bãi biển. Do bị sóng gió cuốn lở đất cát nên phải dời lên chân núi. Năm Canh Ngọ (1930) các vị Tiền hiền và nhân dân trong vùng tổ chức quyên góp, xây cất lại Dinh Cô rộng lớn, vững chắc hơn.

Nhưng sau đó, năm Đinh Mão (1987) đã xảy ra một trận hỏa hoạn khiến tòa thánh điện bị thiêu rụi. Ngư dân địa phương và bá tánh đã tiếp tục đóng góp xây dựng lại Dinh.

[Lễ hội đền Tranh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia]

Vào năm 1995, Dinh Cô cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử -Văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Dinh Cô cũng được xếp vào một trong những sự kiện văn hóa - du lịch lớn trong năm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lễ thỉnh long vị Bà Lớn, ông Nam Hải và Thần hoàng về Dinh tại Lễ hội Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch, thu hút hàng chục ngàn ngư dân và du khách đến tham dự. Năm nay, lễ hội được tổ chức sớm hơn và kéo dài hơn trong 5 ngày với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn như: Biểu diễn ca cổ, giao lưu đờn ca tài tử, thi các trò chơi dân gian miền biển, múa lân sư rồng và các nghi lễ Rước bài vị Cô, nghi lễ cúng Cô.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Long Điền, việc lễ hội lớn trên địa bàn được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là cơ hội đê Long Hải quảng bá, giới thiệu hình ảnh đến du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục