Ngày 28/4, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ 2 năm 2023 được khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.
Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức tại tỉnh, mở màn cho Năm du lịch Tuyên Quang 2023.
Lễ hội diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5; với sự tham gia của 20 khinh khí cầu tiêu chuẩn quốc tế, do các phi công dày dạn kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Ấn Độ, Slovakia, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam điều khiển.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm bay treo, bay tự do, bay mạo hiểm, theo dõi các màn bay biểu diễn và trình diễn ánh sáng khinh khí cầu về đêm tại 2 địa điểm là Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang và sân vận động Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.
[Tuyên Quang: Hút khách với 5 sản phẩm du lịch đặc sắc]
Ngoài các hoạt động trải nhiệm khinh khí cầu, du khách còn được khám phá Tuyên Quang qua những hoạt động và các tour, điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn, như phố đi bộ, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian tại thành phố Tuyên Quang; khám phá hang động, thác nước, du thuyền và tham gia trải nghiệm tại Hội thuyền Kayak trên lòng hồ thủy điện Na Hang-Lâm Bình; tham quan Khu di tích quốc gia Tân Trào; tắm suối khoáng Mỹ Lâm… thưởng thức các món ăn độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Tuyên Quang.
Với thông điệp "Tuyên Quang điểm đến an toàn-thân thiện-hấp dẫn," Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần 2 là điểm nhấn nổi bật cho Năm du lịch Tuyên Quang, góp phần thực hiện mục tiêu đón trên 2,5 triệu lượt du khách trong năm 2023.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan tươi đẹp, sắc màu văn hóa đa dạng với 22 dân tộc cùng sinh sống.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đa dạng hóa các loại hình du lịch... Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang đang trở thành điểm đến hấp dẫn.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết với gần 500 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.
Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình); du lịch nghỉ dưỡng (suối khoáng Mỹ Lâm); du lịch tâm linh (các đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang); du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); du lịch lễ hội (Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa).
Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đó là du lịch mạo hiểm - bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, khám phá, du lịch trải nghiệm trong rừng tại huyện Na Hang; bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa tại Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Tỉnh hình thành, đầu tư điểm checkin tại các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình; phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái (huyện Na Hang); khai trương tuyến phố đi bộ tại huyện Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như tích hợp cơ sở dữ liệu du lịch vào quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.