Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Chặng đường 10 năm từ khi được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ví, Giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian.

Các tiết mục Ví, Giặm đặc sắc được biểu diễn tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Các tiết mục Ví, Giặm đặc sắc được biểu diễn tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014-27/11/2024).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo các nghệ sỹ, nhân dân và du khách thập phương dự lễ.

Nỗ lực giữ gìn

Cùng với 14 Di sản Văn hóa phi vật thể tiêu biểu của cả nước, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vinh dự được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2014. Đây là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Chặng đường 10 năm từ khi được UNESCO ghi danh, Ví, Giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian, với những kết quả tích cực trong công tác truyền dạy di sản cho cộng đồng, tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân thực hành và trao truyền di sản; mở rộng mạng lưới hoạt động của các câu lạc bộ, đưa Ví, Giặm vượt ra khỏi không gian của vùng văn hóa xứ Nghệ để đến với cả nước và vượt biên giới quốc gia, lan tỏa ra thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định: Để có được những thành công này có sự vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm, thể hiện được nguyện vọng cũng như cam kết của chính quyền và cộng đồng nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc bảo vệ, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Dân ca Ví, Giặm theo Công ước 2003 của UNESCO.

ttxvn_dan ca vi dam (1).jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Bên cạnh những thành công vẫn còn những mục tiêu mà hai tỉnh chưa làm được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đó là các làn điệu dân ca cổ một phần đã bị mai một; lực lượng Nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao, bên cạnh đó lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình di sản này nên sự kế thừa chưa nhiều. Môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An mong muốn để Dân ca Ví, Giặm xứng tầm Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm, tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản; tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng Dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu cho Ví, Giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với Ví, Giặm.

Để Dân ca Ví, Giặm lan tỏa

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch Tạ Quang Đông ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của chính quyền cùng nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và chúc mừng những kết quả hai địa phương đã đạt được trong thời gian qua.

Trong tương lai, để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thực sự lan tỏa và trường tồn,Thứ trưởng đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng là chủ thể của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nhân dân cả nước, với tất cả tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tình yêu với di sản văn hóa truyền thống dân tộc để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.

ttxvn_dan ca vi dam (2).jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị hai tỉnh cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản Dân ca Ví, Giặm.

Ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ cộng đồng, câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, quảng bá Dân ca Ví, Giặm; phục hồi, lưu truyền các làn điệu và hình thức diễn xướng truyền thống; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm trong cuộc sống đương đại.

Thứ trưởng cũng đề nghị hai tỉnh cần tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị Dân ca Ví, Giặm ở trong và ngoài nước thông qua các chương trình đối ngoại, các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế để Ví, Giặm được lan tỏa sâu hơn, rộng hơn đến bạn bè trên thế giới.

Cùng với đó xây dựng Dân ca Ví, Giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ; thông qua các tour du lịch về miền di sản để khách du lịch biết đến nhiều hơn về Ví, Giặm.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương để có những giải pháp đồng bộ, tích cực, cùng chính quyền, cộng đồng địa phương hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm, xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

ttxvn_dan ca vi dam (3).jpg
10 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm . (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Tại buổi lễ, 10 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; 20 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An vì có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm giai đoạn 2014-2024.

Ngay sau lễ kỷ niệm là trình nghệ thuật “Ví Giặm hồn quê tỏa sáng” với 3 chương: Hồn quê; Ví, Giặm nuôi lớn những anh tài; Hội tụ và tỏa sáng do các nghệ sỹ Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, Trung tâm Nghệ thuật múa HT, Đoàn Nghệ thuật Bắc Ninh, đoàn Nghệ thuật Bạc Liêu, Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk biểu diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.