Nhân dịp hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, họp tại tiểu bang Wyoming, Mỹ, báo Le Monde đã có bài phân tích “Ngân hàng trung ương Mỹ đối diện với một cuộc phục hồi kinh tế khác thường.”
Theo Le Monde, cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ một lần nữa đạt mức thấp kỷ lục (4,9%), số lượng việc làm bán phần cao hơn trước khủng hoảng, thế nhưng số lượng người dân có việc làm hay đang tìm một việc làm lại “đáng thất vọng,” khoảng 62,7% vào tháng Bảy so với 67,3% hồi năm 2000.
Điều này có nghĩa là “số lượng người thất nghiệp ẩn” đang là một hiện tượng không thể coi thường.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng năng suất rất thấp, 0,5%/năm kể từ 2010 đến nay so với 1,5%/năm từ 1975-1995, hay 3% trong hơn hai thập niên 1947-1973.
Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế Edmund Phelps nhấn mạnh: “Sự sụp đổ của tiến trình tăng năng suất nói trên sẽ có những tác động rất tiêu cực đến toàn thể nền kinh tế Mỹ.”
Giới chuyên gia tìm hiểu nhiều cách để lý giải hiện tượng trì trệ có khả năng kéo dài của nền kinh tế Mỹ. Một số người đề xuất các giải pháp như hạ thấp lãi suất để kích thích đầu tư...
Tuy nhiên, theo Le Monde, tình trạng hiện nay đang cho thấy các giới hạn của Ngân hàng Trung ương Mỹ, cũng như các định chế tiền tệ nói chung, và chắc chắn các lãnh đạo ngân hàng sẽ phải một lần nữa nhấn mạnh: Họ không phải là các ảo thuật gia./.