Lệch pha và lúng túng khi chuyển từ giáo dục tinh hoa sang đại trà

“Sau 30 năm chúng ta chuyển từ giáo dục tinh hoa dành cho số nhỏ sang nền giáo dục dành cho số đông nhưng có lẽ dường như cả hệ thống giáo dục chưa thay đổi tư duy về cách làm giáo dục.”
Ông Phạm HIệp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Sau 30 năm chúng ta chuyển từ giáo dục tinh hoa dành cho số nhỏ sang nền giáo dục dành cho số đông nhưng có lẽ dường như cả hệ thống giáo dục chưa thay đổi tư duy về cách làm giáo dục.”

Đây là nhận định của ông Phạm Hiệp​, nghiên cứu sinh về giáo dục đại học, Đại học Văn hóa Trung Hoa, thành viên Dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam), từng là nghiên cứu viên tại trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học thuộc Đại học Melboune (Australia).

Thực tiễn đại trà nhưng quản lý kiểu tinh hoa

- Thưa ông, ông từng nhận định điểm yếu nhất của giáo dục Việt Nam không phải là ở giáo dục phổ thông mà ở giáo dục đại học, đặc biệt là sau đại học. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Ông Phạm Hiệp: Giáo dục Việt Nam sau 30 năm đã chuyển từ giáo dục tinh hoa, phục vụ số ít, sang giáo dục đại trà, phục vụ số đông. Tuy nhiên, sự chuyển biến này mới ở số lượng người học trong khi tư duy quản lý giáo dục vẫn theo lối giáo dục tinh hoa. Mọi vấn đề của giáo dục có lẽ đều ở sự vênh này.

Tư duy cũ của giáo dục tinh hoa là thi tuyển rất gắt gao, học rất nặng và cứ đỗ vào là tốt nghiệp ra.

Cách làm của giáo dục cho số đông lại khác: phải nhiều thành phần, trường công, trường tư, có trường tốp trên dành cho tinh hoa có thể vẫn thi tuyển gắt gao, nhưng trường đinh hướng đại trà phải theo hướng đầu vào mở, đầu ra thắt chặt, và cần kiểm định độc lập, kiểm soát đầu ra thực sự hiệu quả.

Hoặc trước đây giáo dục tinh hoa thì tỷ lệ một thầy với 20trò là ổn nhưng ngày nay câu chuyện đó không đúng nữa vì không đủ nguồn lực. Chúng ta phải kết hợp đào tạo online và đào tạo chính quy để tỷ lệ một thầy trên trò có thể 1/50, 1/100 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như trước đây khi tỷ lệ là 1/20. 

Cái đó cần tư duy về làm giáo dục, nó bao gồm từ triết lý, cách thức tổ chức và quản lý đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng khác hoàn toàn cách làm cũ.

Đó là giải pháp mang tính dài hơi, cần sự quyết liệt và can thiệp hợp lý  của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[Bài 1: Cùng tu nghiệp nước ngoài, học sinh được khen còn thạc sỹ phải học lại]

- Cụ thể, theo ông thì các giải pháp đó là gì?

Ông Phạm Hiệp: Khi chuyển từ tinh hoa sang đại chúng, toàn bộ cách làm giáo dục cũng phải thay đổi. 

Ví dụ, trước đây, tuyển sinh tinh hoa một năm một lần vào mùa thu. Giáo dục đại trà có thể tuyển sinh nhiều lần mỗi năm, thậm chí quanh năm.

Bộ phận thi cử phải độc lập. Việc ​thi cử không phải do thầy làm mà phải do bộ phận độc lập. Thầy chỉ có nhiệm vụ cung cấp đề thi, câu hỏi. Các bài thi phải là bài thi chuẩn hóa. Có thể câu hỏi khác nhau nhưng khả năng đánh giá năng lực thì cùng một thước như nhau. Trình độ sinh viên năm nay 7 điểm phải tương đương điểm 7 của năm sau về trình độ đầu ra.

Sinh viên không phải trường nào học ở trường đấy đến khi nào tốt nghiệp. Ở châu Âu có đến 1.000 trường công nhân tín chỉ của nhau và sinh viên có thể chuyển dịch giữa các trường mà không gặp rào cản. Có người tôi biết học xong thạc sỹ trong hai năm ở ba trường: kỳ một ở Anh, kỳ hai ở Tây Ban Nha, năm cuối cùng sang Đan Mạch. 

Trường tốp trên tốp dưới không phải căn cứ ở điểm đầu vào mà ở uy tín đầu ra. Sinh viên ra trường có tìm được việc làm không, làm việc ở đâu, lương bao nhiêu, có làm được nghiên cứu đỉnh cao và làm ở các công ty đa quốc gia hay không. 

Phương pháp giảng dạy trước đây là thầy giảng trò chép, giờ phải thêm học tập tích cực, học tập kiến tạo (thầy chỉ là người tư vấn giúp đỡ, học trò mới là người ra lời giải, kết luận cho chính mình), học tập đảo ngược (học trước online ở nhà, lên lớp thảo luận) .... 

Việc đánh giá chung toàn trường phải được kiểm định bởi các tổ chức độc lập.

Việt Nam bắt đầu có bốn trung tâm kiểm định, nhưng vẫn ít và vẫn chưa hoàn toàn độc lập vì vẫn có đến ba trung tâm là vẫn nằm dưới quản lý của các cơ sở giáo dục đại học.  

Hiện một trường đại học vẫn chỉ đặt ở một địa điểm, nếu tự ý mở rộng nhiều địa phương có thể bị kỷ luật, nhưng thực ra giáo dục đại trà cần làm theo hướng đó.

Ở Ấn Độ có trường đặt ở hàng trăm điểm. Iran có trường 1,5 triệu sinh viên.Trung Quốc cũng có trường cả triệu sinh viên. Trường tôi ở Đài Loan, riêng một khoa có 30 điểm ở khắp cả nước. Nhưng ở Việt Nam không làm được như thế vì lo không quản lý được, và tư duy, triết lý của giáo dục vẫn cứ phải là đào tạo tập trung.

Có những tư duy rất lỗi thời, thậm chí phản giáo dục, ví dụ như quy định đào tạo online phải nhiều hơn thời gian đào tạo chính quy, trong khi online vốn dành cho đối tượng là người đi làm, ít thời gian và đã có tích luỹ kiến thức từ công việc trước đó. 

Mình cứ sợ bung ra sẽ không đảm bảo chất lượng nhưng thực tế càng ôm sinh viên càng thất nghiệp, giảng viên thì vẫn nghèo. Giáo dục không chỉ thua trên sân nhà (như RMIT đến Việt Nam mở trường) mà người Việt Nam đi nước ngoài học rất nhiều. Cách đây 5-10 năm, chỉ có người có điều kiện kinh tế thì mới đi học ở Mỹ, ở Úc. Nhưng hiện tại, giáo dục đại học quốc tế phát triển, người ít tiền hơn vẫn có thể đi du học: đi Thái Lan, Malaysia, đi Đài Loan, chất lượng vẫn tốt mà chi phí học không nhiều hơn trong nước.

Khung cảnh kinh hoàng trong mùa tuyển sinh đại học năm 2015. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Ngành giáo dục bao giờ cũng chậm”

- Có thể nói một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dư luận trong nước luôn bức xúc về giáo dục là họ mất lòng tin. Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng coi việc tạo niềm tin là một nhiệm vụ quan trọng của ngành. Theo ông, làm cách nào để có thể có được lòng tin đó?

Ông Phạm Hiệp: Nhìn chung các nước đang phát triển đều gặp phải vấn đề người dân mất lòng tin với dịch vụ công, nhất là với giáo dục. Đây là lĩnh vực có nhiều tác động ngoại biên. Nếu chất lượng tốt thì tác động không chỉ đến người học mà cả gia đình, xã hội, và ngược lại, nếu có những mặt tiêu cực cũng tác động cả cộng đồng.

Vì thế, sự kỳ vọng và sự phàn nàn của người dân cũng là dễ hiểu.

Với bức tranh đó thì muốn đổi mới giáo dục không thể vội vàng. Các nhà chính sách cần kiên trì với những đường hướng mà mình đã đề ra. Những gì đã có căn cứ khoa học và thực tế quốc tế kiểm chứng, mình tin là đúng thì cần tiếp tục. Ví dụ như việc triển khai Thông tư 30. Có thể sau một, hai năm làm, chúng ta có nhiều vấp váp nhưng không thể vì thế mà bỏ cuộc. 

Hoặc gần đây chúng ta nói về đại học xuất sắc. Các trường Đại học Việt-Pháp, Đại học Việt-Đức mới ra đời 6, 7 năm và đang bắt đầu bước vào hoạt động ổn định, chúng ta không thể kỳ vọng họ vào được tốp cao cũng không thể vì thế mà cắt hết những chính sách đã dành cho họ.

Ở một góc độ khác, phản ứng của dư luận cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của họ đến giáo dục.

Nhưng điều đó cũng cho thấy chúng ta cần làm thay đổi cách truyền thông cho người dân. Có vẻ những người làm giáo dục vẫn chưa ý thức được vấn đề truyền thông có vai trò quan trọng như thế nào.

Trước đây giáo dục dành cho số ít, chỉ cần thông báo của thầy cô trên lớp, toàn bộ học sinh và phục huynh biết và thực hiện theo.

Nhưng hiện câu chuyện truyền thông nay đã khác vì số lượng đông hơn, dân trí cao hơn.

Chúng ta không thể chỉ dùng cách cũ mà phải có nhiều kênh truyền thông như qua mạng xã hội, qua báo chí ....

Cách thức truyền thông cũng phải thay đổi và phù hợp với đặc trưng từng nhóm đối tượng như dựng hoạt hình để phù hợp với học sinh cấp dưới, nhờ các ngôi sao nhạc pop để phù hợp với sinh viên…

Điều này ngành giáo dục ở các nước đều đã làm. Nhìn sang các ngành khác trong nước cũng thực hiện rất tốt, như chiến dịch tuyên truyền về sừng tê giác với sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng. Nhưng không hiểu sao ngành giáo dục bao giờ cũng rất chậm.

Hy vọng trong thời gian tới ngành giáo dục sẽ quan tâm hơn đến vấn đề đó. Kênh truyền thông và cách thức làm truyền thông đến người dân tốt hơn thì mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ ngay chứ không phải có vấn đề rồi mới chạy đi giải quyết.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục