LHQ cảnh báo thế giới đối mặt nguy cơ cao sử dụng vũ khí hạt nhân

Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc nhấn mạnh chính các chương trình hiện đại hóa hạt nhân của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân là nguyên nhân dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
LHQ cảnh báo thế giới đối mặt nguy cơ cao sử dụng vũ khí hạt nhân ảnh 1Bà Izumi Nakamitsu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ngày càng gia tăng và điều này tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với thế giới.

Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu đã đưa ra cảnh báo trên trong bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị trù bị chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 23/4.

Bà Nakamitsu khẳng định thế giới đang đối mặt với những thách thức tương tự như vào thời điểm trước khi NPT ra đời. Bà nhấn mạnh chính các chương trình hiện đại hóa hạt nhân của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân là nguyên nhân dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Quan chức Liên hợp quốc lưu ý một thực tế là cho tới gần đây, tất cả các cường quốc hạt nhân thế giới vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán liên tục về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Tuy nhiên, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ngày càng lớn và nếu không thể đảo chiều xu thế này, thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ không có một cơ chế kiểm soát rõ ràng các kho vũ khí hạt nhân.

Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc Nakamitsu đánh giá cao tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Bà bày tỏ hy vọng động thái này có thể góp phần gây dựng lòng tin duy trì bầu không khí tích cực cho các cuộc đối thoại và thương lượng chân thành.

[Triều Tiên tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân]

NPT ra đời vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh cách đây nửa thế kỷ. Mục đích của hiệp ước này là ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trong khi gia tăng sức ép để các cường quốc hạt nhân cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Hiện đã có 191 nước và vùng lãnh thổ ký kết và cam kết tuân thủ NPT. Việc xem xét, đánh giá toàn diện hiệu quả NPT được thực hiện 5 năm/lần và lần gần đây nhất tới đây sẽ là năm 2020.

Theo giới chuyên gia, mặc dù có năm trong số chín cường quốc hạt nhân thế giới là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ tham gia NPT, nhưng các nước này đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của mình và đưa vũ khí hạt nhân vào trọng tam chiến lược quốc phòng quốc gia. Tổng thống Donald Trump thậm chí mới đây còn quyết định nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục