Ngày 23/2, Liên hợp quốc đã chỉ trích các chiến lược tiếp thị của các hãng sản xuất sữa công thức, cho rằng đây là hành vi "phi đạo đức" nhằm vào các bà mẹ đang mang thai, nhân viên y tế.
Theo tổ chức đa phương này, các hãng sữa đang quá chú trọng lợi nhuận hơn là sức khỏe của trẻ nhỏ.
Trong báo báo có tên "Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng thế nào đến quyết định của chúng ta về cách nuôi con," Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng các nước chưa mạnh tay trong việc hạn chế quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và điều này dẫn đến việc còn quá nhiều trẻ em vẫn đang phải uống sữa công thức.
[Trẻ sơ sinh bú bình có thể nuốt phải hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày]
Báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc cho thấy ngành sản xuất sữa công thức trị giá 55 tỷ USD thực hiện nhiều chiến lược tiếp thị quảng cáo mạnh mẽ có hệ thống và tiêu tốn tới 5 tỷ USD mỗi năm để chi phối quyết định của các bậc phụ huynh trong việc nuôi trẻ nhỏ.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, báo cáo đã chỉ rõ rằng hoạt động tiếp thị sữa công thức vẫn còn phổ biến, có nội dung gây hiểu lầm và gây tác động mạnh một cách không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell kêu gọi nhà chức trách có các chính sách, quy định và đầu tư mạnh mẽ vào việc nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo rằng phụ nữ được bảo vệ khỏi các hành vi tiếp thị "phi đạo đức."
Theo quan chức này, những thông điệp thiếu trung thực và gây hiểu lầm về sản phẩm sữa công thức là rào cản lớn đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tác giả báo cáo và một số chuyên gia trong ngành nhấn mạnh đã đến lúc tiến hành cải tổ Bộ quy tắc quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ do WHO ban hành hồi năm 1981, qua đó thắt chặt quản lý ngành sản xuất sữa công thức.
Sữa công thức và thuốc lá là hai sản phẩm duy nhất có hướng dẫn quốc tế về hạn chế tiếp thị, quảng cáo.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, mới chỉ có 25 quốc gia triển khai thực thi Bộ quy tắc trên thành luật.
Theo một khảo sát do các tổ chức Liên hợp quốc trên thực hiện tại 8 nước gồm Bangladesh, Trung Quốc, Mexico, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Vương quốc Anh và Việt Nam, hơn 50% trong số 8.500 người làm cha mẹ, bà mẹ đang mang thai và nhân viên y tế cho biết họ tiếp xúc nhiều với các quảng cáo sữa công thức, nhiều trong số này vi phạm Bộ quy tắc nói trên.
Tại Trung Quốc, 97% số phụ nữ tham gia khảo sát cho hay họ đã từng xem quảng cáo sữa công thức, tỷ lệ này tại Anh là 84% và tại Việt Nam là 92%.
Hơn 33% số phụ nữ tại 8 nước tham gia khảo sát nói rõ họ được nhân viên y tế giới thiệu về một nhãn hiệu sữa công thức cụ thể.
Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cho rằng trẻ được bú sữa mẹ khỏe mạnh hơn, phát triển trí não tốt hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc bệnh tiểu đường sau này.
Trong khi đó, mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ít có nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Chuyên gia của WHO và UNICEF cũng đã khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích này, mới chỉ 44% trẻ dưới 6 tháng tuổi được hưởng quyền lợi này.
Theo báo cáo trên, trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn cầu tăng rất ít, trong khi đó, doanh số bán sữa công thức đã tăng hơn 2 lần cũng trong thời gian trên.
Ông Nigel Rollins, một quan chức WHO đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho rằng các nhà sản xuất sữa công thức đẩy mạnh tiếp thị ở khắp nơi với nhiều hình thức như tin nhắn kỹ thuật số, quà tặng khuyến mại cho những gia đình mới có con nhỏ, thậm chí thông qua các các chuyên gia y tế để quảng cáo cho sản phẩm của mình./.