Theo các nguồn tin ngoại giao, 193 nước thành viên của Liên hợp quốc ngày 29/6 đã đạt được thỏa thuận về khoản ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình trong năm tới, theo đó tránh được nguy cơ các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải đình chỉ hoạt động.
Ủy ban ngân sách của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí với dự thảo nghị quyết phân bổ ngân sách năm tới (tính từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) ước tính 6,5 tỷ USD, tương đương ngân sách năm ngoái.
Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ chính thức thông qua nghị quyết này trong ngày 30/6, theo đó cho phép các phái bộ gìn giữ hòa bình tổng cộng khoảng 100.000 lính “mũ nồi xanh” tiếp tục triển khai hoạt động trên khắp thế giới.
Theo các nhà ngoại giao, Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trên, khoảng 25%, tiếp theo là Trung Quốc với 15%.
Cùng ngày 29/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2584 gia hạn hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) thêm 12 tháng. Nghị quyết kêu gọi Chính phủ chuyển tiếp Mali thực hiện chuyển tiếp đúng thời hạn đề ra và bảo đảm tổ chức bầu cử công bằng tự do và bao trùm.
[Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hỗ trợ các nước ứng phó với COVID-19]
Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh vai trò của MINUSMA trong việc hỗ trợ Chính phủ Mali và các bên liên quan thực hiện Hiệp định hòa bình và hòa giải năm 2015 cũng như kêu gọi thực hiện kế hoạch hỗ trợ Mali về bảo vệ thường dân, giải quyết bạo lực tình dục, bảo vệ trẻ em, chấm dứt xung đột vũ trang, bảo vệ nhân quyền, phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tăng cường sự hiện diện của các cơ quan hành pháp, tư pháp của Mali tại miền Bắc và miền Trung Mali cũng như sự cần thiết của việc hỗ trợ lực lượng chung G5-Sahel trong cuộc chiến chống khủng bố, bạo lực cực đoan tại khu vực Sahel và khu vực biên giới với các nước láng giềng với Mali.
Phái bộ MINUSMA được thành lập theo Nghị quyết 2100 ngày 25/4/2013 với nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình chính trị và ổn định tình hình tại Mali.
Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc duy trì họp định kỳ 3 tháng một lần để nghe báo cáo về hoạt động của phái bộ./.