LHQ hối thúc các phe phái đối địch tại Yemen thu hẹp bất đồng

Nỗ lực nhằm hướng tới một nền hòa bình ở Yemen được thúc đẩy sau khi các đối thủ khu vực là Saudi Arabia và Iran tái khởi động các cuộc đàm phán vào tháng trước.
Lực lượng trung thành với chính phủ Yemen giao tranh với các tay súng Houthi, tại Marib, đông bắc Yemen hồi đầu tháng Năm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths đã kêu gọi các lực lượng đối địch tại Yemen "thu hẹp bất đồng" để đạt được một lệnh ngừng bắn, đồng thời ca ngợi các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một nền hòa bình ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với các quan chức Houthi tại thủ đô Sanaa do lực lượng này kiểm soát, ông Griffiths nêu rõ: "Trong quá trình làm với các bên, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên. Hiện đang có một sự đồng thuận ngoại giao khá đặc biệt, và năng lượng ngoại giao đó không phải lúc nào cũng có."

Nỗ lực nhằm hướng tới một nền hòa bình ở Yemen được thúc đẩy sau khi các đối thủ khu vực là Saudi Arabia và Iran tái khởi động các cuộc đàm phán vào tháng trước.

[Liên minh quân sự tại Yemen ngăn chặn vụ tấn công của Houthi ở Biển Đỏ]

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước này kể từ khi Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran vào năm 2016.

Trong khi Liên hợp quốc và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen, lực lượng Houthi đã yêu cầu mở lại sân bay Sanaa trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu - lực lượng hỗ trợ Chính phủ Yemen - đã áp đặt lệnh phong tỏa đường không đối với Houthi, dẫn đến việc đóng cửa sân bay Sanaa, khiến các chuyến bay thương mại bị đình trệ kể từ năm 2016.

Ồng Griffiths nói thêm: "Tất cả các đề xuất của chúng tôi cũng đã đảm bảo việc mở cửa trở lại sân bay Sanaa."

Yemen rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2014, khi lực lượng Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền Bắc nước này, buộc chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa và tới thành phố Aden.

Năm 2015, liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.

Theo Liên hợp quốc, xung đột tại nước này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục