LHQ kêu gọi chấm dứt tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên

Theo Liên hợp quốc, tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cứ 1.000 trẻ em gái từ 15-19 tuổi thì có 62 trường hợp mang thai và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19.
LHQ kêu gọi chấm dứt tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh 1(Nguồn: kidshealthdailytips.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 26/9, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kêu gọi thực hiện các biện pháp chấm dứt tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên tại Mỹ Latinh và Caribe, khu vực thứ hai trên thế giới về tỷ lệ mang thai ở lứa tuổi này.

Trong một tuyên bố nhân Ngày Thế giới Phòng chống Mang thai ở tuổi vị thành niên (26/9), Giám đốc UNFPA khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Harold Robinson đề nghị chính phủ các nước trong khu vực đưa ra các chiến lược và biện pháp tức thì tập trung vào vấn đề này.

Ông Robinson cho biết việc làm mẹ ở tuổi vị thành niên trong hầu hết các trường hợp đều gây ra "hậu quả tiêu cực và không thể đảo ngược" và làm thay đổi "toàn bộ kế hoạch cuộc đời của vị thành niên," đồng thời làm tăng sự phụ thuộc về kinh tế cũng như giảm thiểu khả năng tiếp cận giáo dục và vị trí việc làm đối với người mẹ trong độ tuổi này.

[Báo động vấn nạn trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục ở Mỹ Latinh]

Theo Liên hợp quốc, tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cứ 1.000 trẻ em gái từ 15-19 tuổi thì có 62 trường hợp mang thai.

Giám đốc UNFPA khu vực Mỹ Latinh cho rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn bắt nguồn từ sự gián đoạn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, tại nhiều quốc gia, các nguồn tài chính để thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên hiện đang bị hạn chế.

Cùng với đó, UNFPA nhấn mạnh những chi phí kinh tế to lớn mà việc mang thai ở tuổi vị thành niên gây ra cho xã hội.

Theo số liệu, chi phí xã hội cho mỗi trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên tại Mỹ Latinh và Caribe đạt mức trung bình khoảng 1.210 USD vào năm 2018.

Với 1,5 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên mỗi năm, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe phải bỏ ra tổng cộng 1,8 tỷ USD cho các trường hợp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục