Ngày 12/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi đạt được một thỏa thuận quốc tế về số phận của các phần tử thánh chiến nước ngoài đang bị giam giữ ở Trung Đông, cho rằng Syria và Iraq không có trách nhiệm giải quyết vấn đề này thay cho các nước.
Phát biểu với đài RTL của Pháp, Tổng Thư ký Guterres, hiện đang tham dự Diễn đàn Hòa bình Paris cùng khoảng 30 nhà lãnh đạo trên thế giới, nhấn mạnh rằng vấn đề trên đòi hỏi phải có sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, đồng thời các bên không nên chỉ yêu cầu Iraq và Syria thay họ giải quyết.
Theo ông, các nước phương Tây cũng nên nhận lại những phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các tay súng, và giúp họ tái hòa nhập xã hội.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cho hồi hương tù nhân là thành viên nước ngoài của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định sẽ tiếp tục hồi hương các tay súng IS bất kể các nước có tiếp nhận hay không.
Tháng 10 vừa qua, Ankara đã phát động tấn công khu vực Đông Bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh đuổi các tay súng thuộc lực lượng Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), mà Ankara cho là thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã bị cấm hoạt động.
[Pháp thận trọng trong việc hồi hương công dân gia nhập IS tại Syria]
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt được hàng trăm tay súng IS tại đây. Phía Ankara luôn chỉ trích việc các nước phương Tây từ chối hồi hương công dân từng đứng trong hàng ngũ của IS tại Syria và Iraq bằng cách tước quốc tịch của những phần tử này.
Cho đến nay, các nước châu Âu đều không mong muốn nhận lại các tay súng hay thân nhân của những người này do lo ngại họ có thể gây ra mối đe dọa an ninh.
Cũng liên quan đến việc hồi hương thân nhân của các tay súng IS, Chính phủ Hà Lan cùng ngày tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án về việc tiếp nhận các trẻ em là con của những đối tượng gia nhập IS.
Trước đó, ngày 11/11, tòa án tại La Haye đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Hà Lan phải giúp hồi hương 56 trẻ em đang sống trong điều kiện khó khăn tại các trại tạm trú ở Syria.
Cả Bộ Ngoại giao và Tư pháp Hà Lan sau đó đều tuyên bố sẽ tìm cách đảo ngược quyết định trên./.