Ngày 10/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước liên quan tiếp tục đối thoại để đạt được tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa một cách toàn diện và có thể kiểm chứng, vì hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh Liên hợp quốc nhận định hành động vừa qua của Triều Tiên (vụ phóng vật thể bay được phỏng đoán là tên lửa tầm ngắn ngày 9/5) chỉ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU hy vọng Triều Tiên sẽ kiềm chế các hành động có thể cản trở nỗ lực ngoại giao, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết, có các bước đi tích cực để khôi phục đối thoại, đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong vòng 5 ngày, Triều Tiên gây bất ngờ khi liên tiếp phóng các vật thể bay về phía Biển Nhật Bản mà Hàn Quốc cho rằng có thể là tên lửa tầm ngắn, còn Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo.
Trong vụ phóng chiều 9/5, các vật thể bay được các chuyên gia quân sự Hàn Quốc và Mỹ đánh giá là bay xa hơn lần phóng ngày 4/5, song đều rơi xuống biển mà không gây thiệt hại.
Hai động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm "vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới” đã làm tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallström, trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
[Hàn Quốc và Mỹ họp sau các vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên]
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm vào hồi 15 giờ 20 (giờ địa phương) ngày 10/5 theo đề nghị của Thụy Điển, để trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kang Kyung-who cho biết Hàn Quốc sẽ đối phó thận trọng thông qua đối thoại thẳng thắn giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc nói thêm: "Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thụy Điển vốn là kênh giao tiếp với cả hai miền Triều Tiên."
Về phần mình, Ngoại trưởng Margot Wallström khẳng định Chính phủ Thụy Điển sẽ không ngừng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại.
Ngoại trưởng hai nước đánh giá hai bên tiếp tục hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đa dạng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác đối phó với mọi vấn đề.
Trước đó, hồi tháng 1/2019, tại thủ đô Stockholm, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã chủ trì vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Đặc phái viên phụ trách chính sách về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui và Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Lee Do-hoon nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai./.