Ngày 23/8, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an đã tổ chức thảo luận cấp cao về “Các thách thức trong việc ngăn chặn sự phổ biến của các loại vũ khí giết người hàng loạt.”
Tham dự cuộc thảo luận có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, đại diện đặc biệt của INTERPOL tại Liên hợp quốc, đại diện các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an cùng nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, xóa bỏ vũ khí giết người hàng loạt là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Mặc dù đã đạt được những thành công trong việc ngăn chặn sự phổ biến của các loại vũ khí giết người hàng loạt như việc thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, các công ước về ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học… tuy nhiên, thế giới hiện vẫn đang đối mặt với các mối nguy hiểm và chương trình giải giáp vũ khí cũng chưa khả thi tại một số khu vực.
Tổng thư ký cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự tàn phá của các loại vũ khí này đối với con người và môi trường là loại bỏ chúng. Để làm được điều này, cộng đồng quốc tế cần đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về giải giáp và không phổ biến các loại vũ khí giết người hàng loạt. Việc xóa bỏ vũ khí nguy hiểm này cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng của Liên hợp quốc, được quy định ngay trong nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trên thực tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ này. Năm 2009, cơ quan này đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Trước đó, năm 1987, các thành viên của Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua nghị quyết trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ các nguy cơ hạt nhân và sẵn sàng hành động để thực thi nhiệm vụ này.
Các thách thức đối với việc giải giáp và không phổ biến các loại vũ khí giết người hàng loạt đang gia tăng. Bối cảnh thế giới hiện nay cũng đang tạo ra những nguy cơ nguy hiểm hơn bao giờ hết. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ làm cho việc sản xuất, vận chuyển các loại chất phóng xạ, hóa học, sinh học… trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn. Điều này cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tìm cách lợi dụng, sở hữu các loại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.
Đại diện đặc biệt của INTERPOL tại Liên Hợp Quốc Emmanuel Roux cho biết, nguy cơ các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm có tổ chức… sở hữu vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học là có thật. Đây cũng là thách thức chung của chính phủ các nước trong việc đảm bảo an toàn cho người dân và an ninh nước mình. Các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda, Aum Shinrikyo và các tổ chức cực đoan khác đã từng tuyên bố muốn sở hữu các loại vũ khí này để hủy diệt loài người.
Để ngăn chặn vấn đề này, Hội đồng Bảo an cần thực thi hiệu quả các nghị quyết liên quan, trong đó có nghị quyết 1540, không để diễn ra tình trạng phổ biến các loại vũ khí hủy diệt này. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác việc sử dụng không gian mạng một cách hòa bình. Việc giải giáp và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt chỉ có thể đem lại thành công khi tất cả các quốc gia thành viên đều cam kết thực hiện tốt điều này./.