Liban lo lắng về tương lai của lệnh ngừng bắn

Thủ tướng Liban khẳng định việc Israel mở rộng các cuộc tấn công vào lãnh thổ quốc gia Arab cho thấy Israel bác bỏ nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn sau hơn một tháng xung đột.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/11, Thủ tướng Liban Najib Mikati đã bày tỏ lo lắng về tương lai của một lệnh ngừng bắn ở nước này, khẳng định việc Israel mở rộng các cuộc tấn công vào lãnh thổ quốc gia Arab cho thấy Israel bác bỏ nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn sau hơn một tháng xung đột.

Phát biểu sau các cuộc đột kích trong đêm của Israel vào vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Thủ tướng Mikati tuyên bố việc Israel tiếp tục mở rộng phạm vi tấn công vào các khu vực của Liban, buộc người dân Liban phải sơ tán, và tiếp tục nhắm mục tiêu vào các vùng ngoại ô phía Nam Beirut là những dấu hiệu cho thấy Israel “khước từ mọi nỗ lực đang thực hiện để đạt được thỏa thuận ngừng bắn."

Vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban đã hứng chịu ít nhất 10 cuộc không kích trong sáng 1/11, sau khi quân đội Israel phát lệnh sơ tán người dân tại đây.

Các vụ không kích đã gây thiệt hại lớn ở các khu vực mục tiêu, khi hàng chục tòa nhà bị san phẳng và hỏa hoạn xảy ra sau đó.

Thông báo trên mạng xã hội X, quân đội Israel nêu rõ việc sơ tán nhằm phục vụ cho hoạt động quân sự nhắm vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và vũ khí của lực lượng Hezbollah tại Liban.

Các cuộc không kích được thực hiện một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp các quan chức Mỹ đang có chuyến thăm để thảo luận về một thỏa thuận có thể chấm dứt giao tranh tại Liban, với số người chết tăng lên ở cả hai bên biên giới Liban-Israel.

Cùng ngày 1/11, Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng của các hoạt động quân sự của Israel ở Liban đến dân thường, đặc biệt là thiệt hại đối với các địa điểm tôn giáo và văn hóa.

Kể từ tháng 10/2023, các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy hoặc gây thiệt hại nặng nề cho ít nhất 10 nhà thờ và thánh đường Hồi giáo. Văn phòng này cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc không kích gần khu đền thờ cổ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ở Baalbek.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên và cơ sở y tế ở Liban.

Phát biểu họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WHO Margaret Harris cho biết việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe đã trở thành một thách thức lớn ở Liban, đặc biệt là tại những khu vực bị tấn công.

Theo quan chức này, hệ thống y tế của Liban đang bị quá tải do các điều kiện kinh tế khó khăn và vấn đề cung cấp nhiên liệu cho máy phát điện tại bệnh viện.

Kể từ cuối tháng Chín, Israel đã liên tục phát các lệnh sơ tán đối với cư dân tại nhiều khu vực ở Liban, đặc biệt là miền Nam và miền Đông, nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường trong bối cảnh xung đột leo thang với lực lượng Hezbollah tại đây.

Các lệnh sơ tán này đã dẫn đến việc hàng trăm nghìn người dân Liban phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực.

Chính phủ Liban đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép ngoại giao buộc Israel ngừng các cuộc không kích và lệnh sơ tán, nhằm bảo vệ an toàn cho dân thường.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Liban, kể từ khi các cuộc giao tranh tại nước này leo thang vào ngày 23/9, chiến sự đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.829 người.

Trong khi đó, quân đội Israel cho biết 37 binh sỹ nước này đã thiệt mạng tại Liban kể từ khi các hoạt động trên bộ bắt đầu vào ngày 30/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục