Liban: Người dân giận dữ xuống đường biểu tình do khủng hoảng tiền tệ

Người dân xuống đường biểu tìn khi đồng bảng Liban, vốn đã mất hơn 95% giá trị kể từ năm 2019, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là gần 56.000 bảng đổi 1 USD trên thị trường song song ngày 25/1.
Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)

Ngày 25/1, người biểu tình Liban đã chặn các tuyến đường và đốt lốp xe gần trụ sở Ngân hàng Trung ương Liban ở thủ đô Beirut khi giá trị đồng nội tệ của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD.

Đồng bảng Liban, vốn đã mất hơn 95% giá trị kể từ năm 2019, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là gần 56.000 bảng đổi 1 USD trên thị trường song song ngày 25/1, khiến các thị trường tài chính và thương mại rơi vào hỗn loạn. Sự sụp đổ về giá trị của đồng tiền quốc gia đã khiến người dân giận dữ xuống đường biểu tình tại Beirut, miền Nam Liban, vùng Baalbek và Akkar cũng như những vùng lân cận các trại tị nạn của người Palestine.

Giữa lúc đồng bảng Liban mất giá, giá xăng tại nước này đã tăng vọt, lên khoảng 18 USD/20 lít. Sự hỗn loạn trên thị trường song song đã khiến một số lĩnh vực, bao gồm các trạm nhiên liệu, phải đóng cửa do không thể theo kịp tỷ giá đang thay đổi từng ngày.

[WFP viện trợ 5,4 tỷ USD cho người Liban và người tị nạn Syria]

Các ngân hàng Liban đã áp đặt các giới hạn hà khắc đối với việc rút tiền và chuyển khoản vào năm 2019, khiến người gửi tiền chỉ có thể tiếp cận một phần tiền tiết kiệm của họ bằng đồng USD và đồng bảng Liban. Khi những khoản tiền tiết kiệm bị mắc kẹt trong ngân hàng, những người gửi tiền ngày càng trở nên tức giận.

Những người biểu tình gần trụ sở Ngân hàng Trung ương Liban giương cao các biểu ngữ đòi công lý cho người gửi tiền và phản đối chính sách của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liban Riad Salameh và các ngân hàng tại nước này.

Liban đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng chưa từng có, vốn đã đẩy phần lớn người dân vào cảnh đói nghèo kể từ năm 2019.

Theo một báo cáo mới công bố của Chương trình Lương thực Thế giới, 1,29 triệu công dân Liban và 700.000 người tị nạn Syria đang sinh sống tại Liban đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong 4 tháng cuối năm 2022. Đây là một thất bại nặng nề đối với một quốc gia từng tự hào với biệt danh "Thụy Sĩ của Trung Đông" có vai trò là một trung tâm tài chính khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục