Liên hợp quốc thông qua hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân

Dự kiến hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu sẵn sàng để ký kết vào ngày 20/9 tới và sẽ chính thức có hiệu lực khi được 50 quốc gia phê chuẩn.
Liên hợp quốc thông qua hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 7/7, hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua tại Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp và nhiều cường quốc hạt nhân khác không tham gia đàm phán về hiệp ước này.

Trong phiên họp này, 122 nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua hiệp ước trên, trừ Hà Lan bỏ phiếu phản đối và Singapore bỏ phiếu trắng.

Dự kiến hiệp ước này sẽ bắt đầu sẵn sàng để ký kết vào ngày 20/9 tới và sẽ chính thức có hiệu lực khi được 50 quốc gia phê chuẩn.

Vòng đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại Liên hợp quốc này đã diễn ra từ trung tuần tháng 6 vừa qua mà không có sự tham gia của một loạt quốc gia.

Cũng giống như vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 27/3 vừa qua, 5 cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia đàm phán. Nhật Bản, Đức và Triều Tiên cũng không cử đại diện tham dự.

Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Khoảng 140 nước đã tham gia soạn thảo hiệp ước này. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng.

Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng việc thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.