Ngày 23/5, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn việc đình chỉ các quy định chống bội chi ngân sách áp dụng với các quốc gia thành viên đến hết năm 2023.
Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu cho biết quyết định trên được đưa ra do “sự không chắc chắn gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy và chuỗi cung ứng tiếp tục rối loạn.”
Tháng 3/2020, EU đã đình chỉ áp dụng các quy định chống bội chi ngân sách, còn gọi là Hiệp ước Tăng trưởng và ổn định (SGP), khi liên minh này rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do tác động của các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19.
SGP là thỏa thuận giữa các nước thành viên EU để duy trì sự ổn định tài chính nội khối.
Theo hiệp ước, các quốc gia thành viên phải đảm bảo mức thâm hụt ngân sách hằng năm thấp hơn 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công thấp hơn 60% GDP.
[Giá trị đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua]
EU đáng lẽ sẽ khôi phục SGP vào ngày 1/1/2023 nhưng đã trì hoãn quyết định này do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo EC, SGP sẽ được kích hoạt trở lại vào năm 2024.
Xung đột ở Ukraine và tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là những lý do khiến EU vào tuần trước đã phải hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực trong năm nay.
Tăng trưởng kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện được dự báo ở mức 2,7%, giảm so với mức dự báo 4% đưa ra hồi đầu năm./.