Liên minh châu Âu chưa tìm ra lối thoát cho ngành sản xuất sữa

Cuộc họp Hội đồng Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận về việc triển khai biện pháp hỗ trợ các nông dân sản xuất sữa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PA)

Ngày 17/5, cuộc họp Hội đồng Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) với sự tham dự của các bộ trưởng nông nghiệp EU diễn ra tại Brussels đã không đạt được thỏa thuận về việc triển khai biện pháp hỗ trợ các nông dân sản xuất sữa.

Chương trình nghị sự cuộc họp 28 Bộ trưởng Nông nghiệp EU tập trung vào hai điểm chính liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng ngành sữa hiện nay là tình hình thị trường và việc triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân được quyết định từ hồi tháng Ba vừa qua.

Các nước Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Ireland, Đức vẫn không thay đổi quan điểm phản đối việc điều tiết sản xuất sữa hiện nay. Trong khi đó, EC lại chỉ cho phép biện pháp này được thực hiện trên cơ sở sự tự nguyện, do đó không có quốc gia nào áp dụng vì mỗi nước đều lo ngại nước láng giềng không thực hiện biện pháp này.

Quan điểm của Bỉ và phần lớn các quốc gia EU cho rằng việc điều phối tạm thời lượng sản xuất là giải pháp duy nhất đẩy giá sữa đang thấp lên mức cao hơn ở châu Âu, do đó cần phải có biện pháp ép buộc thực hiện quy định này cũng như yêu cầu bù đắp tài chính mà EU trả cho người sản xuất.

Những con số trong ngành sữa mà Hội đồng Nông nghiệp đưa ra tại cuộc họp cho thấy rõ sản lượng sữa dư thừa trong EU. Trung bình, sản lượng sữa tăng 5,6% hồi tháng Một và tháng Hai, so với cùng kỳ năm ngoái. Bỉ và nhiều quốc gia khác có mức tăng hơn 10%. Nếu xuất khẩu sữa bột tăng 13% nhưng giá vẫn giậm chân tại chỗ thì triển vọng cùa ngành sữa rất xấu.

Để hỗ trợ ngành sữa, tháng Chín năm ngoái, EU đã giải ngân 420 triệu euro cho ngành sữa nhưng chỉ có 46% tổng số tiền được các quốc gia sử dụng. Những biện pháp hỗ trợ mới sẽ được bàn bạc tại cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp EU diễn ra vào tháng Sáu tới với hy vọng đạt được thỏa thuận trong điều phối sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đi đầu trong ngành sữa của châu Âu không tham gia thì sẽ không thể triển khai biện pháp này được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục