Liên minh Thái Bình Dương kêu gọi tăng cường hợp tác với châu Á

Hội nghị đối thoại Cartagena đã kêu gọi các quốc gia Thái Bình Dương tăng cường trao đổi kinh tế, hợp tác và hội nhập với châu Á.
Liên minh Thái Bình Dương kêu gọi tăng cường hợp tác với châu Á ảnh 1Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. (Nguồn: maquinadelaire.com)

Ngày 8/3, trong lễ bế mạc Đối thoại Cartagena tại Colombia, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Thái Bình Dương tăng cường trao đổi kinh tế, hợp tác và hội nhập với châu Á.

Tại hội nghị, Tổng thống Valera đã đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Liên minh Thái Bình Dương và Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Ông đồng thời hối thúc các quốc gia bên hai bờ Thái Bình Dương cần thiết lập cơ chế hội nhập tập trung vào tự do thương mại, dịch vụ và tài chính.

Cùng chung quan điểm, Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos nhận định châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình nghị sự của tổ chức này.

Dự kiến, Bộ trưởng Kinh tế Colombia Mauricio Cardenas sẽ thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong vài ngày tới.

Quốc gia Nam Mỹ này đã ký hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và hiện đang đàm phán với Nhật Bản để tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh liên Thái Bình Dương.

Ông đề xuất thiết lập một “tuyến đường hàng hải tơ lụa” nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa châu Á và các nước Mỹ Latinh bên bờ Thái Bình Dương.

Đối thoại Cartagena, do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và Bộ Quốc phòng Colombia đồng tổ chức, diễn ra trong hai ngày tại thành phố Cartagena với sự tham dự của lãnh đạo các nước, các học giả và doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia Thái Bình Dương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những triển vọng hội nhập liên khu vực trên cơ sở những yếu tố tương đồng giữa các nước hai bờ Thái Bình Dương.

Được thành lập năm 2011 theo Tuyên bố Lima, Liên minh Thái Bình Dương- bao gồm Colombia, Chile, Mexico và Peru- có quy mô kinh tế lớn thứ chín trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu lên tới 445 tỷ USD một năm.

Panama, một trong 32 quan sát viên, hiện đang mong muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.