Liệu cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc có gây chia rẽ thế giới?

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã cảnh báo các lãnh đạo thế giới về một “sự rạn nứt lớn” tiềm tàng mà ở đó, thế giới có thể bị chia rẽ thành hai hệ thống đối địch nhau do Trung Quốc và Mỹ tạo ra.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tại Đại Hội Đồng Liên hợp quốc năm 2019 tổ chức vào ngày 24/9 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres đã cảnh báo các lãnh đạo thế giới về một “sự rạn nứt lớn” tiềm tàng mà ở đó, thế giới có thể bị chia rẽ thành hai hệ thống độc lập và đối địch nhau do Trung Quốc và Mỹ tạo ra.

Lời cảnh báo của người đứng đầu thực thể toàn cầu này đã nhắc lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế về sự cạnh tranh chiến lược ngày càng trầm trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, khả năng Bắc Kinh và Washington rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay câu hỏi rằng liệu họ có thể thoát khỏi Bẫy Thucydides vẫn thường xuyên được đưa ra thảo luận trong những năm gần đây.

Tại một thời điểm mà sự kết nối giữa các nước và người dân trên thế giới đang trở nên thích đáng hơn, liệu sự cạnh tranh giữa hai siêu cường này có kéo thế giới trở lại những giai đoạn chia rẽ và xung đột hay không?

Những cuộc thảo luận về việc liệu sự cạnh tranh Trung-Mỹ có gây ra một sự chia rẽ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không hiện đang nổi lên. Một số nhà quan sát tin rằng với sự thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa hai nước này, sự cạnh tranh sẽ càng gia tăng và một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể sẽ nổ ra. Một số học giả Mỹ thậm chí còn hoài nghi rằng những mâu thuẫn sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Học giả Mỹ John Mearsheimer, tác giả cuốn sách Bi kịch của Chính trị Nước lớn, lập luận rằng sự nổi lên của Trung Quốc có khả năng dẫn tới một “sự cạnh tranh an ninh nghiêm trọng” với Mỹ, “với nguy cơ chiến tranh tiềm tàng.”

Ông tin rằng hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, “sẽ gia nhập phe Mỹ để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc,” vì vậy “Trung Quốc sẽ không thể trỗi dậy một cách hòa bình."

Yan Xuetong, chủ nhiệm của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, tin rằng một hình mẫu lưỡng cực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được thiết lập, song cấu trúc của nó không giống như cấu trúc hình thành giữa Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.

Một quan điểm khác là cạnh tranh Trung-Mỹ đã tạo ra một mô hình nhị nguyên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ở đó các nước phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhưng an ninh lại phụ thuộc vào Mỹ. Một sự cạnh tranh kép - về kinh tế và an ninh - giữa hai cường quốc đã bắt đầu và một cuộc cạnh tranh như vậy cũng tương tự như sự đối đầu giữa Washington và Moskva trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Với sức mạnh quốc gia đang nổi lên của Trung Quốc và thái độ ngày càng tích cực hơn của nước này đối với các vấn đề toàn cầu, sự cạnh tranh với Mỹ được coi là đang diễn tiến theo hướng vượt ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ngày càng mang tính toàn cầu hơn. Đặc biệt, sự cạnh tranh liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc đề ra và cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ dường như đã tạo ra một sự chia rẽ toàn cầu.

Tuy nhiên trên thực tế, đó không phải là vấn đề cần lo ngại. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và Mỹ không đủ để tạo ra một cấu trúc lưỡng cực, và mối quan hệ song phương cũng như các mối liên hệ giữa hai nước này với các nước khác không thể bị cắt bỏ hoàn toàn. Cả hợp tác lẫn cạnh tranh giữa hai nước đều đang gia tăng, và các nước khác vẫn có nhiều lựa chọn chiến lược.

Một số người tin rằng sự cạnh tranh Trung-Mỹ gia tăng sẽ dẫn tới một thế giới bị chia rẽ. Đây là một suy luận dựa trên chính trị vũ lực. Có nhiều điểm khác biệt giữa một cuộc chiến tranh lạnh Trung-Mỹ nếu nó xảy ra và Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô.

Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc và Mỹ khác nhau về hệ tư tưởng, hệ thống chính trị và nhiều lĩnh vực khác, điều này không phải là trọng tâm của sự cạnh tranh giữa hai nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc không truyền bá hệ tư tưởng của họ ra ngoài. Cuộc chiến tranh lạnh mới này không mang tính tư tưởng và địa chính trị nhiều như cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô.

Thứ hai, Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ thương mại thân thiết, trong khi quan hệ thương mại Mỹ-Liên Xô hầu như là không tồn tại trong thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù những tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn, song sự dao động trong cuộc chiến này phản ánh rằng hai nước vẫn phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Sự chia tách giữa Trung Quốc và Mỹ là điều phi thực tế.

Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ còn lâu mới thiết lập được một thế giới lưỡng cực, và các nước khác cũng chưa cần phải lựa chọn đứng về bên nào.

Hầu hết các nước trên thế giới đều lựa chọn quan hệ thân thiết với Trung Quốc và Mỹ, bởi điều đó phù hợp với những lợi ích của họ. Rõ ràng là, hầu hết các nước đều không muốn sự cạnh tranh Trung-Mỹ gây chia rẽ thế giới.

Trong thế giới ngày này, quan hệ giữa các nước đang ngày càng sâu sắc và hệ thống quốc tế không thể bị phớt lờ. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ cũng không thể chi phối tất cả các vấn đề toàn cầu. Nếu thế giới bị chia rẽ, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải gánh vác trách nhiệm điều hành một hệ thống quốc tế rạn nứt. Đây không phải là điều mà hai nước này muốn.

Mặc dù sự bất ổn và hoài nghi đang gia tăng, thế giới sẽ không bị chia rẽ. Đối mặt với những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong một thế kỷ, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng một cộng đồng của một tương lai chung của nhân loại.

Cả Sáng kiến Vành đai và Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á đều nhằm mục tiêu đưa thế giới quy tụ lại gần nhau hơn là chia rẽ nó. Còn Mỹ, với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, đã không quan tâm nhiều đến các vấn đề toàn cầu nữa.

Với những quan điểm không ổn định, Trung Quốc và Mỹ không chống lại nhau. Điều này ngăn ngừa khả năng xảy ra một sự rạn nứt toàn cầu từ sự đối kháng đang tăng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.