Báo Đời sống Quốc tế (Nga) số ra mới đây có bài viết nhận định rằng các nước châu Âu, bao gồm cả Nga, cần phải xác định cấu trúc tương lai của an ninh châu Âu.
Mặc dù về mặt chiến lược, Nga có thể dựa vào các đối tác châu Á, nhưng nước này không thể tách mình về mặt địa lý khỏi châu Âu.
Nếu Nga có ý định chuyển đổi dự án Đại Á-Âu sang phía Đông một cách suôn sẻ, thì sự ổn định của châu Âu cần phải được tính đến.
Hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường,” trong đó có tuyến đường đi về phía Tây, cũng là một phần quan trọng của dự án Đại Á-Âu.
Vào tháng 2/2022, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bắt đầu, khiến quan hệ giữa Nga với châu Âu xấu đi rõ rệt. Liên minh châu Âu nhanh chóng theo sau Mỹ áp đặt nhiều gói trừng phạt Nga.
[Trừng phạt kinh tế Nga: Đòn giáng mới vào quá trình toàn cầu hóa]
Hiện tình hình vẫn chưa được kiểm soát và một số dự án hợp tác giữa Nga và châu Âu (ví dụ như Dòng chảy phương Bắc 2) đã bị ngưng trệ.
Căng thẳng giữa Nga và châu Âu leo thang trở lại vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Về lâu dài, an ninh sẽ gắn liền với chính sách của cả hai bên, sẽ trở thành vấn đề chính trong quan hệ giữa Nga và châu Âu.
Dự án Đại Á-Âu và những lợi ích
Năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu lên kế hoạch Đại Á-Âu.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St-Peterburg, Tổng thống Nga đã đề cập đến việc “xem xét triển vọng rộng lớn hơn của đối tác Á-Âu với sự tham gia của Liên minh Kinh tế Á-Âu,” trong đó sẽ bao gồm cả Trung Quốc, Pakistan, Iran, và Ấn Độ.
Ý tưởng chính của Dự án Đại Á-Âu là quay trở lại châu Á. Từ khía cạnh thực tế, cốt lõi của dự án này là mối quan hệ Nga-Trung Quốc. Khu vực Đông Bắc Trung Quốc và Nga có mối quan hệ thương mại chặt chẽ.
Đại Á-Âu sẽ củng cố hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, tạo điều kiện phát triển vùng Viễn Đông của Nga và phục hồi nền kinh tế của vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Trong vài năm gần đây, hợp tác giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Đại Á-Âu đã có kết quả.
Vào năm 2019, sau 31 năm, cây cầu Hắc Long Giang giữa Heihe và Bladoveshchensk đã được đưa vào hoạt động. Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt phía Đông Nga-Trung Quốc cũng đã hoàn thành.
Về địa chính trị và địa kinh tế, Đại Á-Âu có tiềm năng và lợi thế lớn.
Về mặt địa chính trị, trong ngắn hạn, Đại Á-Âu có thể ổn định khu vực phía Tây của Nga.
Thứ nhất, ưu tiên phát triển về phía Đông của Đại Á-Âu sẽ làm giảm bớt áp lực từ Liên minh Đại Tây Dương và sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông.
Thứ hai, Đại Á-Âu sẽ tạo cân bằng địa chính trị giữa Nga, châu Âu và châu Á.
Trước đây, trọng tâm chính của Nga chỉ giới hạn ở phương Tây, điều này dẫn đến một mức độ dễ bị tổn thương nhất định. Ngay khi quan hệ với châu Âu xấu đi, Nga bị cô lập. Đại Á-Âu có thể bù đắp điều này bằng cách chuyển sang phía Đông.
Về mặt địa kinh tế, dự án Đại Á-Âu có lợi cho cả Trung Quốc và Nga, vì dự án này có cơ sở thực tế vững chắc. Trước hết, Đại Á-Âu đáp ứng nhu cầu phát triển cân bằng của Nga. Nền kinh tế Nga bị mất cân bằng.
Mặc dù phần trung tâm và phía Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên trị giá hàng nghìn tỷ USD, song những khu vực này lại tụt hậu trong quá trình phát triển. Việc triển khai Đại Á-Âu sẽ giúp Nga sử dụng đầy đủ các nguồn lực của khu vực phía Đông và đạt được sự phát triển cân bằng hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc có khả năng và nhu cầu kết nối với Đại Á-Âu. Trung Quốc là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới với nhu cầu rất lớn về tài nguyên quốc tế và thị trường quốc tế, có thể hình thành cơ cấu kinh tế bổ sung tốt cho các khu vực này.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế ở phía Đông của Nga. Đại Á-Âu sẽ đóng vai trò then chốt trong hợp tác Nga-Trung Quốc trong kết nối Á-Âu, bao gồm việc xây dựng đường sắt cao tốc Trung Quốc-Mông Cổ-Nga tạo điều kiện kết nối cơ sở hạ tầng Á-Âu.
Đại Á-Âu được coi là chiến lược phía Đông của Nga. Dự án này được đưa ra như một phản ứng trước sức ép của phương Tây mà Nga phải đối mặt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do Liên minh châu Âu (EU) không thể hội nhập Á-Âu nói chung. Căng thẳng Nga-Ukraine có thể được xem là phản ứng trước thực tế là không gian chiến lược của Nga liên tiếp bị EU và NATO chèn ép.
Châu Âu vẫn luôn kiên định mô hình quốc gia-nhà nước của hệ thống Westphalia, và Ukraine đã từng là vùng đệm giữa các quốc gia chính của châu Âu và Nga. Việc mở rộng EU và NATO sang phía Đông đồng nghĩa với việc giảm mạnh các vùng đệm, đe doạ an ninh chiến lược của Nga.
Rủi ro tiềm tàng và tương lai của Đại Á-Âu
Tính đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình hiện nay với các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây, phần châu Âu của dự án Đại Á-Âu đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, một câu hỏi quan trọng xuất hiện đó là liệu dự án Đại Á-Âu có thể tồn tại nếu không có châu Âu?
Vấn đề này phản ánh nỗi thất vọng của Nga với châu Âu và cảm giác bất an. Để trả lời cho câu hỏi này, có thể xuất phát từ đạo luật Helsinki (1975), được thông qua trên cơ sở thống nhất giữa hai phe phía Đông và phía Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quy định khuôn khổ hành động của cả 2 bên.
Quan trọng hơn, Đạo luật này đưa ra khái niệm “an ninh không phân tách”. Theo nhà sử học người Anh Norman Davis, căng thẳng Nga-Ukraine một lần nữa cho thấy “an ninh không thể phân tách đã trở thành vấn đề toàn cầu.”
Châu Âu thuộc về tất cả người châu Âu. Các quốc gia châu Âu, bao gồm cả Nga, cần phải thảo luận về cấu trúc tương lai an ninh ở châu Âu. Mặc dù về mặt chiến lược, Nga có thể dựa vào các đối tác châu Á của mình, nhưng Nga không thể tách mình khỏi châu Âu về mặt địa lý.
Nếu Nga có ý định đưa Đại Á-Âu về phía Đông một cách thuận lợi thì sự ổn định của châu Âu phải được tính đến. Hợp tác với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó có tuyến đường đi về phía Tây, cũng là phần quan trọng của dự án Đại Á-Âu.
Do đó, không nên hoàn toàn bỏ qua châu Âu. Với tình hình Ukraine hiện nay (dù vẫn còn nhiều bất ổn), có thể dự đoán rằng nếu Ukraine đi theo con đường của Phần Lan thì nước này sẽ trở thành cầu nối giữa Đông và Tây, kết nối Nga và EU, có lợi hơn là tạo ra một bức màn sắt.
Ngoài ra, nếu châu Âu bị loại bỏ hoàn toàn, thì Đại Á-Âu sẽ phải đối mặt với một số rủi ro trong dài hạn, nếu tính đến các khía cạnh địa kinh tế và địa chính trị.
Rủi ro địa kinh tế có liên quan nhiều hơn đến thực tế. Thứ nhất, dân số của Nga tập trung ở phía Tây, trong khi phần phía Đông có dân cư thưa thớt. Nếu Nga có kế hoạch thúc đẩy Đại Á-Âu, thì cần phải có đủ nhân lực ở phần này.
Thứ hai, nếu không có sự tham gia của châu Âu thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả các bên về thị trường, nguồn nguyên liệu và công nghệ. Từ đó, sẽ xuất hiện vấn đề về không đủ động lực để phát triển bền vững. Châu Âu là một thị trường năng lượng quan trọng đối với Nga và vắng châu Âu sẽ mang tới cho Đại Á-Âu những khiếm khuyết nhất định.
Về mặt địa chính trị, sự thiếu vắng châu Âu đồng nghĩa với việc Nga sẽ quay hoàn toàn về phía Đông, điều này có thể làm nảy sinh sự cạnh tranh và đối đầu giữa Trung Quốc, Nga với châu Âu và Mỹ, phá hoại sự ổn định của Á-Âu và toàn cầu.
Châu Âu không nên bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi Đại Á-Âu. Xung đột Nga-Ukraine đã khiến châu Âu phải suy nghĩ về an ninh châu Âu và đã có những tuyên bố hợp lý nhấn mạnh rằng “an ninh châu Âu không nên nhằm chống lại hoặc bỏ qua Nga."
Một số nhà lãnh đạo EU đã nói rằng sự mở rộng của EU và NATO trong quá khứ đã tạo ra tâm lý ngờ vực đối với Nga ở các nước Đông Âu, điều này đã làm sai lệch chương trình nghị sự của châu Âu và rằng châu Âu đã không kiểm soát được cảm xúc của các quốc gia Đông Âu này và quên đi mục đích ban đầu của mình.
Với cách tiếp cận đúng đắn, xung đột Nga-Ukraine có thể trở thành cơ hội để không chỉ châu Âu, mà cả Nga phải suy nghĩ và điều chỉnh chính sách của mình. Cả hai bên phải cùng nhau nỗ lực xây dựng một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, phù hợp với nguyên tắc “an ninh không phân tách."
Có thể nói rằng trong triển vọng ngắn hạn và trung hạn, Đại Á-Âu là dự án khá khả thi.
Dự án này có thể làm cho sự phát triển kinh tế trong nước của Nga trở nên cân bằng hơn và làm tăng khả năng chống lại sức ép từ phương Tây đối với Nga.
Tuy nhiên, về dài hạn, so với tam giác Trung Quốc-Nga-châu Âu, dự án Đại Á-Âu nếu thiếu châu Âu có thể mang đến những rủi ro và hạn chế về địa kinh tế và địa chính trị.
Dựa trên thực tế và tính tới triển vọng dài hạn, có thể rút ra kết luận rằng mối quan hệ giữa Đại Á-Âu và châu Âu vẫn còn khả thi và Đại Á-Âu được đảm bảo bởi một hệ thống an ninh phù hợp, sẽ ổn định và bền chặt./.