Trang Daily Maverick mới đây dẫn phân tích của công ty quản lý tài sản của Anh-Nam Phi Ninety One (có trụ sở tại London và Cape Town) về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 và thời gian tới, cũng như những cơ hội nền kinh tế nước này mang lại cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trong năm 2021, điều mà nhiều người quan tâm là việc liệu Trung Quốc có thể duy trì tăng trưởng và là nhân tố kéo các nền kinh tế khác phục hồi từ những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hay không.
Bên cạnh tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhóm nghiên cứu của Ninety One tin rằng các nhà đầu tư có thể thúc đẩy các xu hướng khác mà Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Điểm nổi bật trong năm 2021 là Trung Quốc sẽ ưu tiên kinh tế nội địa lên hàng đầu, với việc thông qua chính sách “tuần hoàn kép” (trong đó chú trọng hơn vào sản xuất và tiêu dùng nội địa để cân bằng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu), trong khi vẫn đẩy mạnh mở cửa thị trường vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
[Trong các nền kinh tế lớn, duy nhất Trung Quốc tăng trưởng dương]
Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước nhận Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu, vậy thì sẽ mất bao lâu trước khi Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu về đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI)?
FPI là hình thức đầu tư gián tiếp xuyên biên giới, để chỉ các hoạt động mua tài sản tài chính nước ngoài nhằm kiếm lợi nhuận và không kèm theo việc tham gia vào các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của doanh nghiệp giống như FDI.
Triển vọng của thị trường trái phiếu Trung Quốc
Đầu năm 2021, thị trường trái phiếu tại các nước phát triển đang lo lắng tìm hiểu xem liệu các quốc gia này có đang bước vào xu hướng tăng phát (reflation) hay không? (Tăng phát là giai đoạn chính phủ thực hiện chính sách tài khóa/tiền tệ để kích thích chi tiêu và hạn chế ảnh hưởng của giảm phát sau một thời kỳ bất ổn kinh tế hoặc suy thoái).
Điều này có thể báo trước sự kết thúc của xu hướng lãi suất thấp hơn trong thời gian dài hơn và các chính sách khác để kích thích kinh tế khác.
Trong khi đó, trái phiếu Trung Quốc vẫn mang lại triển vọng dài hạn. Năm 2020, dòng vốn nước ngoài đổ vào những trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ (NDT) tại Trung Quốc đại lục đạt mức cao kỷ lục mới là hơn 150 tỷ USD.
Xu hướng đầu tư vào các loại trái phiếu Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2021 và được thúc đẩy bởi việc trái phiếu Trung Quốc sắp được đưa vào Chỉ số Trái phiếu chính phủ thế giới FTSE.
Mặc dù chính sách tiền tệ của Trung Quốc được cho là sẽ không có sự điều chỉnh đáng kể, thị trường trái phiếu lại ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng. Chẳng hạn, phân khúc tín dụng doanh nghiệp của Trung Quốc đang tiếp tục phát triển, trong bối cảnh các cơ quan quản lý loại bỏ tư duy “quyền lợi của nhà nước.”
Điều này sẽ mở đường cho sự phân loại trái phiếu dựa trên các nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp, thay vì mức độ gần gũi với thể chế nhà nước.
Tuy thị trường trái phiếu của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực như xu hướng ghi nhận trong vài năm qua, nhưng nhà đầu tư quốc tế vẫn cần chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra.
Tiêu điểm trong các lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc
Năm 2021 có thể là năm mà các lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tăng trưởng tương đối chậm chạp.
Tuy nhiên, về công nghệ, Trung Quốc hiểu rằng “chậm và ổn định” sẽ không giành chiến thắng trong cuộc đua. Do đó nước này sẽ nỗ lực tăng tốc các ngành công nghệ và điều này có thể mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.
Các thông cáo về "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" cho giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh đến sự đổi mới sáng tạo và khả năng tự cường về công nghệ. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ cố gắng đẩy nhanh quá trình “tách rời” các lĩnh vực công nghệ trong nước khỏi các nhà cung cấp quốc tế.
Ở Mỹ, lập trường cứng rắn về thương mại với Trung Quốc có sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng, vì vậy Bắc Kinh sẽ càng quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào bí quyết nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ.
Một số doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có thể được hưởng lợi khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất và đưa nhiều công nghệ quan trọng hơn vào bên trong biên giới nước này.
Tuy nhiên, thực tế này cũng hàm chứa những khó khăn đối với một số nhà cung cấp mặt hàng công nghệ cao cho thị trường Trung Quốc.
Tháng 1/2021, Mỹ đã thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với một số công ty Trung Quốc trong đó có nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu nước này, vì lý do an ninh quốc gia.
Ninety One không cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm bớt các biện pháp trừng phạt và “ăn miếng trả miếng,” vốn có thể gây ra biến động đối với cổ phiếu công nghệ trong và ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, trong dài hạn, sự tăng trưởng của các lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc dường như không thể bị kìm hãm.
Cần lưu ý rằng cổ phiếu của các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã giảm mạnh vào cuối năm 2020 sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc tiến hành thực hiện luật chống độc quyền nhằm hạn chế quyền lực của các “ông lớn” này.
Sự thay đổi chính sách đó có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đối với hệ sinh thái công nghệ tổng thể của Trung Quốc.
Nhưng chắc chắn rằng Chính phủ Trung Quốc không muốn loại bỏ những “gã khổng lồ” công nghệ quốc gia, vốn đã mang lại lợi ích kinh tế và năng suất đáng kể.
Tận dụng “làn sóng phát triển xanh” của Trung Quốc
Tháng 9/2020, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc chấm dứt phát thải ròng carbon vào năm 2060, người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt cường quốc này vào lộ trình hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon nhanh hơn đáng kể so với dự kiến trước đó.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước phát thải lượng carbon lớn nhất thế giới, chiếm 28% tổng lượng khí thải toàn cầu. Do đó, để đạt mức trung hòa phát thải carbon, Trung Quốc sẽ cần “đại tu” triệt để mạng lưới năng lượng, hệ thống giao thông, môi trường xây dựng và nhiều yếu tố khác.
Điều đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn đối với các công ty “xanh” có thể tham gia vào nỗ lực giảm phát thải carbon và đây là một xu hướng chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia.
Phát triển lĩnh vực môi trường là mục tiêu ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, đặc biệt là do lĩnh vực này phù hợp với yêu cầu an ninh quốc gia và chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc.
Công nghệ sạch có thể giúp Trung Quốc tự chủ năng lượng, bởi hiện nay khoảng 70% lượng dầu tinh chế ở Trung Quốc hiện vẫn dựa vào nhập khẩu.
Các xu hướng kinh tế cần xem xét
Mức tăng trưởng 6,5% trong quý IV/2020 đã đưa GDP hàng năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên 2,3%, giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tránh được sự suy giảm trong một năm bị chi phối bởi đại dịch COVID-19.
Theo một số tính toán, Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn vài năm so với ước tính trước khi COVID-19 bùng phát.
Mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc là nâng GDP bình quân đầu người lên mức của “các nước phát triển vừa phải” vào năm 2035.
Truyền thông Trung Quốc ước tính mức thu nhập này vào khoảng 20.000 USD/người/năm, so với khoảng 10.000 USD/người/năm hiện nay. Điều đó đòi hỏi tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 4,7%/năm trong 15 năm tới.
Tăng thu nhập trung bình và thúc đẩy tầng lớp trung lưu trong nước là yếu tố quyết định đối với chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc.
Là một yếu tố cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, tuần hoàn kép tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng và tái định hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc - mặc dù xuất khẩu sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng.
Những thay đổi này trong mô hình sản xuất và tiêu dùng rõ ràng có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi điều đó làm thay đổi tiềm năng tăng trưởng của từng khu vực.
Vì vậy, trong khi Trung Quốc có phần hướng nội khi đối mặt với những gì nước này coi là một thế giới ngày càng thù địch, thì các chuyên gia của Ninety One cho rằng nhà đầu tư quốc tế vẫn có thể tiếp tục tiếp cận các cơ hội đầu tư dồi dào mà Trung Quốc sẽ mang lại trong năm 2021 và những thập kỷ tiếp theo./.