Washington Post đưa tin khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tới Liên hợp quốc năm ngoái, ông ấy đã chế nhạo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "người tên lửa" tự sát và đe dọa "phá hủy hoàn toàn" quốc gia Đông Bắc Á này.
Tổng thống Trump cũng cam kết phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, mà ông miêu tả là "sự cản trở đối với nước Mỹ."
Trong khi đó, trong tuần này, Tổng thống Trump lại ca ngợi cuộc đàm phán mà ông đã thực hiện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà giờ đây ông miêu tả là "rất đáng kính," bất chấp bằng chứng cho thấy ông Kim tiếp tục phát triển một kho vũ khí hạt nhân.
[Vì sao ông Donald Trump ra đòn phản kháng mạnh tay với FBI?]
Trong khi Tổng thống Trump giáng đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran (khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận này), thì ông cũng lại tuyên bố "luôn sẵn sàng" cho cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Đối với các cố vấn của Tổng thống Trump, rủi ro lớn nhất tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm nay là đảo ngược những gì đạt được năm ngoái, không chỉ bởi lãnh đạo Nhà Trắng sẽ phi ngoại giao một cách nguy hiểm, mà còn vì ông sẽ nhiệt tình thái quá trong thương lượng với các đối thủ lắm mưu.
Khó có thể kiềm chế xu hướng thù địch của Tổng thống Trump, các phụ tá cấp cao của ông đang thực sự nỗ lực nhằm tránh cuộc gặp trực tiếp bất ngờ với nhà lãnh đạo Iran mà ông sẽ không sẵn sàng xử lý hoặc có các nhượng bộ mà họ lo ngại có khả năng làm suy yếu nỗ lực duy trì sức ép đối với Triều Tiên.
Những khả năng trên đều sẽ gây bối rối cho các phụ tá của Tổng thống Trump, những người có quan điểm chủ chiến đối với Iran và Triều Tiên.
Một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong ngày 24/9 cũng hiện hữu, do ông Moon có khả năng hối thúc lãnh đạo Nhà Trắng có những nhượng bộ để duy trì cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Robert Malley, người từng giúp thương lượng thỏa thuận hạt nhân Iran với tư cách là một quan chức thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Tổng thống (Trump) sẵn sàng quát tháo và đe dọa, song ông cũng muốn đạt được thỏa thuận thế kỷ. Với Triều Tiên, điều này đã diễn ra do ông có một đối tác sẵn lòng. Vấn đề mà ông (Trump) sẽ đối mặt với Iran là các nhà lãnh đạo ở đó cho rằng một cuộc gặp sẽ cho thấy chiến lược của ông."
Việc đưa ra một loạt yêu cầu đối với phía Iran không những kiểm soát được cách suy nghĩ của Tổng thống Trump rằng ông có khả năng giỏi chiến thuật hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào, mà còn có thể tránh tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào./.