Theo báo cáo Chiến lược thị trường: “Kết quả kinh doanh quý 2-Trên đà hồi phục,” của Công ty Chứng khoán VNDIRECT vừa công bố, kết quả kinh doanh quý hai của ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,4% trong quý 1.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết ước tính tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên 3 sàn (HoSE, HNX, UpCoM) đã giảm 14,4% so với cùng kỳ trong quý 2 này. Thế nhưng, con số này vẫn được cho là tích cực hơn nhiều so với mức giảm 27,7% so của quý 1.
Ngân hàng thành trụ đỡ
Trong bối cảnh chung, nhóm ngành ngân hàng đã lội ngược dòng nước với mức lợi nhuận tăng 21,9% so với cùng kỳ và tập trung ở các mã CTG (tăng 102%), HDB (tăng 54%) và VPB (tăng 44%). Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận toàn ngành vẫn có được mức tăng 12,6% so với cùng kỳ và đóng góp 3,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện báo cáo chỉ ra nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm và điều này đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng tích cực của ngành trong nửa chặng đầu của năm.
Ngoài ra, một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán cũng có sự phục hồi vượt kỳ vọng, như khu vực dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán), với mức lợi nhuận ghi nhận tăng vọt 169,6% so với cùng kỳ năm ngoái, là nhờ vào đà tăng của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 23,2% trong quý 2 với khối lượng giao khởi sắc, thanh khoản tăng 41,6% so với quý 1 và tăng 51,1% so với cùng kỳ.
Do yếu tố thời tiết, lợi nhuận của nhóm ngành sản xuất điện cũng ghi nhận mức tăng 27,3% trong quý 2 so với cùng kỳ (trước đó trong quý 1 đã giảm 68,1% so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ lợi nhuận ròng của PGV tăng 13 lần so với cùng kỳ. Và ngành hóa chất có mức tăng lợi nhuận 16,1% so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận gia tăng giữa bối cảnh giá dầu thấp (trong khi quý 1 giảm 34,0% so cùng kỳ)….
Dầu khí, du lịch và bán lẻ “thiệt hại” nặng nề từ đại dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã thực hiện 21 ngày giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước (trong tháng 4), điều này đã khiến hoạt động dịch vụ và vận tải gần như gián đoạn hoàn toàn.
Trên thị trường chứng khoán, các công ty kinh doanh trong nhóm ngành vận tải và du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề trong quý 2, lợi nhuận kinh doanh sụt 73,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngành bán lẻ giảm lợi nhuận 40,5% trong bối cảnh cầu nội địa yếu, ngành dầu khí xuống 78,5% khi giá dầu Brent về mức thấp (giảm 51% so với cùng kỳ). Bên cạnh đấy, ngành bất động sản cũng sụt lợi nhuận 29,3% do khó khăn trong việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ và mở bán, ngoài ra ngành dịch vụ tiện ích giảm 21,7% và khai khoáng rơi hẳn 123,9% so với cùng kỳ.
Trên thị trường, VN-Index kết thúc tháng Bảy ở mức 798 điểm, tăng 23% từ mức đáy 650 điểm trong tháng Ba. Nhận định xu hướng thị trường về những tháng cuối của năm, ông Tuấn cho rằng những yếu tố không chắc chắn đang gia tăng với đợt bùng phát COVID-19 mới cộng thêm căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung.
“Trong nước, những ca lây nhiễm cộng đồng xuất phát từ Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020, khiến cho các biện pháp giãn cách xã hội được tái áp dụng ở một số địa phương. Tuy vậy, trên thị trường vẫn có những yếu tố trợ lực, như việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công nhằm tái thiết kinh tế trong năm 2020 và dấu hiệu quay trở lại của dòng tiền khối ngoại cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, những điều này có thể hấp dẫn dòng tiền quay trở lại trên thị trường chứng khoán,” ông Tuấn nói.
Theo đó, nhóm phân tích của VNDIRECT dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong rổ VN-Index khả năng sẽ giảm 5%-6% so với cùng kỳ (trong khi mức tăng trong năm là 7,1%), từ đây kỳ vọng VN-Index có thể kết thúc năm 2020 quanh khu vực 840-920 điểm./.