Theo Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Mưa lớn kèm theo dông, lốc xoáy, sét tại các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Cần Giuộc, thị xã Kiến Tường làm bị thương hai người do sét đánh, sập hai căn nhà, tốc mái 47 căn.
Bên cạnh đó, gió mạnh làm đổ một số cây trên các tuyến đường, gãy trụ điện, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc xảy ra sạt lở đường 826C ven sông Cần Giuộc làm 7 căn nhà của người dân xuống sông, đe dọa chia cắt giao thông.
Điểm sạt lở nguy hiểm xảy ra tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Bình Hòa, xã Đức Tân (huyện Tân Trụ) chiều dài khoảng 50m, bề rộng từ điểm sạt lở đến mép đất nhà dân khoảng 10m, độ sâu từ 6-8m...
Gần đây nhất vào sáng 1/7, người dân sống xung quanh cầu Bún Bà Của, tại Km 65+400 thuộc Quốc lộ 62-Quốc lộ N2 (ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) phát hiện vết nứt ngay chân cầu. Sạt lở làm lề đường phía kênh Dương Văn Dương, cách tim đường 4,5m bị sụp, lún 30cm so với đoạn mặt đường, đoạn sạt lở dài 15m.
Đến sáng 2/7, điểm này sụp lún thêm 90cm so với mặt đường và chiều dài đến 20m, làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông, gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông…
[Long An: Cảnh báo tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại cầu Bún Bà Của]
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và các huyện tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí để người dân khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết nguyên nhân sạt lở do tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; công trình nhà ở, kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.
Chi cục đã tăng cường tuyên truyền để người dân thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn hàng ngày, có kế hoạch phòng tránh, giảm bớt thiệt hại.
Trước mắt, Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo công tác quản lý đê điều, sẵn sàng hộ đê và quản lý khai thác vận hành công trình thủy lợi hiệu quả, an toàn, phát huy năng lực phục vụ sản xuất, an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Tỉnh kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, lấn chiếm lòng sông, kênh làm tắc nghẽn dòng chảy.
Ngành chức năng bố trí lực lượng thường trực tại công trình thủy lợi, thực hiện hiệu quả việc nạo vét, trục vớt rác, lục bình... khơi thông dòng chảy tuyến kênh tiêu thoát nước, tuyến kênh nội đồng từ nhiều nguồn lực; đồng thời, kiểm tra bùn đất lắng đọng trong hố ga, khả năng hoạt động của lưới chắn rác tại cửa vào cống tiêu, đảm bảo khả năng thoát nước khi có mưa lớn xảy ra./.