Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, địa phương đang xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh theo ba giai đoạn.
Giai đoạn một là thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội; giai đoạn hai là khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã ổn định (sau giãn cách) và giai đoạn ba là khi dịch bệnh được kiểm soát để bước sang giai đoạn bình thường mới.
Cụ thể, giai đoạn đầu chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh theo quy định và người lao động lưu trú tại doanh nghiệp.
Bước sang giai đoạn hai, khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được hoạt động với 100% số lượng lao động nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Nếu người lao động mới được tiêm 1 mũi vaccine, doanh nghiệp chỉ được hoạt động với tối đa 70% số lượng lao động so với điều kiện bình thường và doanh nghiệp vẫn phải thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho người lao động.
[Bốn nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19]
Giai đoạn ba, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và bước sang giai đoạn bình thường mới, tất cả các doanh nghiệp được hoạt động và bố trí lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhưng người lao động phải hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine khi vào làm việc, đồng thời thực hiện xét nghiệm định kỳ 10 ngày/lần.
Ở cả ba giai đoạn, các doanh nghiệp khi hoạt động phải cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Sau 3 ngày hoạt động, phải hoàn chỉnh việc cập nhật thông tin người lao động gửi về ngành chức năng để theo dõi, quản lý.
Đồng thời, các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp.
Trường hợp phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động và báo ngay cho cơ sở y tế để xử lý. Sau khi hoàn thành việc truy vết, cách ly y tế và khử khuẩn theo quy định mới được trở lại hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa, tỉnh đang xây dựng các giải pháp, lộ trình cụ thể để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại, tương ứng với các cấp độ dịch bệnh và mức độ tiêm vaccine cho người lao động phù hợp.
Cùng đó, tỉnh sẽ nghiên cứu vận hành quy trình sản xuất mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn để “sống chung” an toàn với đại dịch. Các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Từ đó, tạo tiền đề nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sản xuất trì trệ, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, chi phí quản lý doanh nghiệp cao, đa số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do áp dụng biện pháp phòng, chống dịch./.