Lớp học nhân văn dành cho những phận đời không may lầm lỗi

Bên cạnh được học con chữ, phép tính cơ bản, các phạm nhân còn được tiếp xúc, học tập các kiến thức về pháp luật, từ đó tâm tính của phạm nhân thay đổi, nhận thức rõ các hành vi vi phạm pháp luật.
Lớp học đặc biệt dành cho các phạm nhân tại trại giam Gia Trung. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Nhiều năm nay, lớp học bổ túc xóa mù chữ cho các phạm nhân được tổ chức tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã giúp hàng ngàn phạm nhân biết chữ, làm các phép tính cơ bản… Không chỉ vậy, lớp học còn “nhen nhóm” ý chí hoàn lương cho những phận đời lầm lỗi.

Một ngày giữa tháng 11/2020, phóng viên TTXVN có dịp “mục sở thị” lớp học đặc biệt tại Trại giam Gia Trung (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) dành cho các phạm nhân đang chấp hành án tại đây.

Từ xa, những vần thơ về quê hương đất nước với đủ những thanh âm của nhiều lứa tuổi văng vẳng trong không gian tĩnh lặng của khu trại. Ở lớp học này, học sinh trẻ nhất chừng 16 tuổi, lớn tuổi nhất cũng đã bước qua ngưỡng lục tuần, song tất cả đều có một điểm chung là chưa biết chữ, chưa làm được phép tính cơ bản.

Lớp học ra đời trở thành nơi sinh hoạt học tập bổ ích của các phạm nhân sau mỗi giờ lao động, cải tạo. Bên cạnh được học con chữ, phép tính cơ bản, các phạm nhân còn được tiếp xúc, học tập các kiến thức về pháp luật. Từ đó, tâm tính của phạm nhân thay đổi, nhận thức rõ các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhiều phạm nhân mang án nặng được xoa dịu tâm lý, động viên họ nỗ lực cải tạo, chấp hành án chờ ngày hoàn lương.

Nhận án phạt 18 năm tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy, khi vào chấp hành án tại Trại giam Gia Trung, phạm nhân Nguyễn Duy Côi vẫn chưa biết chữ. Từ sự vận động của các cán bộ trong trại, phạm nhân Côi bắt đầu theo học lớp xóa mù chữ. Đây là lần thứ 3 phạm nhân Côi tham gia lớp xóa mù một phần bởi trí nhớ đã giảm sút, phần khác đi học cùng mọi người cho khuây khỏa.

Phạm nhân chia sẻ: "Ngoài giờ lao động, cải tạo tôi tham gia các lớp học xóa mù chữ để sau này khi chấp hành án xong về với gia đình sẽ biết đọc biết viết, có thể đọc được trang sách, tờ báo hoặc ít nhất là có thể ký được tên của mình."

[Ban hành quy định mới về chế độ, chính sách đối với phạm nhân]

Chấp hành án tại Trại giam Gia Trung được 2 năm và tham gia lớp học xóa mù được 6 tháng, phạm nhân Nguyễn Văn Trụ đã tự tin hơn rất nhiều với từng con chữ, vần thơ, phép tính. Cũng vì không hiểu biết pháp luật, không biết chữ, Trụ đã sa chân vào con đường tội lỗi.

Không những thế, việc không biết chữ đã khiến nhiều bạn bè của Trụ cười chê làm cho tâm tính Trụ trở nên cục cằn, e dè và "khó bảo”. Lớp học trong Phân trại số 3 của Trại giam Gia Trung đã trở thành nơi hồi sinh phận đời của phạm nhân Trụ. Chăm chỉ lao động, cải tạo và học tập, bản thân Trụ đã thay đổi và hướng thiện hơn rất nhiều.

Phạm nhân Trụ chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa từng được đi học, vẫn bị nhiều người giễu cợt vì không biết chữ nên rất buồn và khó chịu. Không biết chữ đi tìm việc cũng rất khó. Vào đây, tôi được học và đã biết đọc, biết viết. Tôi thấy rất vui. Nhờ có cán bộ Thưởng chỉ dạy, bây giờ, tôi đã có thể biết được nội dung trong các cuốn sách, hiểu được thêm nhiều điều tốt đẹp. Biết chữ sẽ tạo thuận lợi hơn cho tôi sau khi được trở về hòa nhập với xã hội."

Đây có lẽ là lớp học xóa mù chữ đặc biệt nhất mà chúng tôi từng biết, bởi đối tượng học sinh là những tù nhân đang trong thời gian chấp hành án. Tại đây, những con người lầm lỗi bắt đầu lại với từng con chữ dưới sự dìu dắt của Đại úy Ngô Sỹ Thưởng, cán bộ công tác tại Trại giam Gia Trung.

Đại úy Ngô Sỹ Thưởng tâm sự: "Không chỉ dạy chữ, lớp học còn là nơi để cảm hóa phạm nhân, dạy cho họ những điều hay, điều tốt đẹp qua từng trang sách. Qua mỗi bài học, tôi luôn cố gắng để họ cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước, thấy được tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau, học được cách ứng xử trong cuộc sống. Từ đó, giúp họ có thêm quyết tâm tu dưỡng, cải tạo."

Theo các cán bộ tại Trại giam Gia Trung, việc thiếu hiểu biết pháp luật và nhận thức của đa số phạm nhân một phần là do không biết chữ. Vì vậy, Ban giám thị Trại thường xuyên tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân.

Những lớp xóa mù mở ra nhằm giúp phạm nhân biết đọc, biết viết để có thể đọc sách báo, viết thư gửi về cho gia đình và dần nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết để sau khi chấp hành xong bản án, họ trở về với gia đình, xã hội và làm lại cuộc đời. Hàng năm, Trại giam Gia Trung mở khoảng 2 khóa, mỗi khóa có từ 50 đến 100 học viên. Sau khi tham gia lớp học, học viên đều được cấp chứng nhận phổ cập tiểu học.

Phó Giám thị Trại giam Gia Trung, Thượng tá Đào Ngọc Sỹ cho biết Trại giam Gia Trung có đặc thù là nằm trên địa bàn Tây Nguyên, do đó đa số phạm nhân vào trại là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức rất hạn chế, văn hóa thấp, nhiều phạm nhân không biết chữ.

Vì vậy, Trại đã tổ chức các lớp học văn hóa, xóa mù chữ, giúp phạm nhân nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức. Qua đó, các phạm nhân có thể chấp hành án, nội quy trại giam tốt hơn. Đặc biệt, sau này khi chấp hành án xong, họ hòa nhập cộng đồng tốt hơn, không tái phạm và sớm trở thành người có ích cho xã hội./.

Đại úy Ngô Sỹ Thương hướng dẫn học cho phạm nhân. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục