Sáng ngày 22/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những chia sẻ xung quanh dự án Luật này.
- Thưa ông, trong dự án luật Chứng khoán sửa đổi lần này, các đại biểu đã có những đóng góp và quan tâm gì đối với dự thảo?
Ông Hoàng Văn Cường: Điểm sửa đổi ý nghĩa nhất đối với dự án Luật này liên quan tăng cường vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mặc dù Ủy ban đang đặt tại Bộ Tài chính nhưng tôi cho rằng với cách quy định vai trò trách nhiệm hiện nay, Bộ Tài chính là trụ sở để Ủy ban Chứng khoán hoạt động, còn thực chất rất nhiều quyền hạn của Ủy ban không nằm trong điều hành của Bộ Tài chính mà do Chính phủ quy định bao quát trực tiếp. Theo tôi, đây là điểm tương đối phù hợp.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đòi hỏi có tính công khai, minh bạch lớn trong khi hàng hóa chứng khoán phụ thuộc chủ yếu vào kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và báo cáo của Kiểm toán, đặc biệt là sự trung thực của công ty đại chúng.
[Đề nghị tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước]
Chứng khoán là một thị trường giao dịch với sản phẩm hàng hoá thông tin bất đối xứng (tức là hàng hóa chứng khoán đưa ra bán chỉ có công ty chứng khoán biết được thực chất sản phẩm đó tốt như thế nào, còn người mua hoàn toàn tin vào báo cáo, giới thiệu của công ty chứng khoán). Do đó, muốn tin thì phải dựa vào cáo bạch của tông ty, phải dựa vào bản kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập và dựa vào kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán để khách hàng ra quyết định đầu tư.
Thị trường chứng khoán giao dịch một cách hoàn hảo hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào ba yếu tố: Một là cáo bạch của các công ty đại chúng, hai là báo cáo đánh giá của cơ quan kiểm toán độc lập và ba là kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán. Ba cơ quan này mà vận hành một cách trung thực, minh bạch thì tất cả các nhà đầu tư sẽ không bị mua phải những hàng hóa chất lượng kém hoặc phải chịu rủi ro.
Chính vì vậy, việc kiểm soát minh bạch của ba yếu tố cốt lõi này là hết sức quan trọng để tạo ra một thị trường thực sự lành mạnh. Chúng ta có thể thấy trong thời gian vừa qua báo chí hay nói đến chuyện các công ty chứng khoán lớn thì thành công còn đầu tư nhỏ hay thất bại chính là vì thông tin không minh bạch.
Trong dự thảo Luật lần này đã quy định rất rõ các cá nhân, các công ty giao dịch khi thông tin không trung thực sẽ bị xử lý rất nặng và tôi cho rằng việc đó là hết sức phù hợp và cần thiết.
Ở đây có một đơn vị có vai trò rất lớn trong việc tạo ra sự minh bạch này chính là các công ty kiểm toán độc lập. Trong luật cũng quy định rõ Chính phủ đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn và Ủy ban Chứng khoán sẽ quyết định công ty kiểm toán nào được tham gia vào kiểm toán.
Như vậy, rõ ràng vai trò của công ty kiểm toán độc lập là rất lớn. Song, trách nhiệm của họ khi để xảy ra những báo cáo không trung thực thì như thế nào lại chưa được đề cập. Đây là điểm cần lưu ý.
Tương tự như vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng quy định những quyền năng rất lớn trong việc kiểm soát; tính minh bạch có thực hiện được hay không là phụ thuộc vào vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vì vậy, theo tôi trong luật này cũng cần phải quy định Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào khi những hành vi trên thị trường không phát hiện, không xử lý kịp thời.
- Theo ông, chúng ta có cần nâng mức xử phạt trong Luật sửa đổi lần này hay không?
Ông Hoàng Văn Cường: Nâng hình thức xử lý đã được thực hiện trong dự thảo này đối với hành vi gian lận trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ xử lý với các công ty chứng khoán, người giao dịch chứng khoán và công ty đại chúng. Còn những đơn vị có chức năng kiểm soát hoạt động này thì lại chưa được quy định trong luật.
Có hai đơn vị có vai trò kiểm soát là kiểm toán độc lập, khi kiểm toán cáo bạch của các công ty đại chúng phải bảo đảm tính chính xác, trung thực. Nếu đơn vị kiểm toán độc lập có sai sót trong việc kiểm soát các công ty đại chúng thì không chỉ phải chịu trách nhiệm như công ty kiểm toán thông thường mà phải bị xử lý trách nhiệm cao hơn.
Ở góc độ khác, Ủy ban Chứng khoán phải quản lý các hoạt động bảo đảm tính minh bạch trên thị trường, nếu không phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, các yếu tố không minh bạch thì trách nhiệm của Ủy ban phải được quy định rõ hơn.
- Việc phân định thẩm quyền giữa Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch Chứng khoán trong hoạt động niêm yết chứng khoán cũng cần phải được làm rõ để xác định đơn vị thẩm định để đưa các công ty đại chúng lên niêm yết và đồng thời cũng là trách nhiệm giám sát đối với các công ty đại chúng. Luật Chứng khoán hiện hành còn chưa đề cập đến nội dung này, việc này được xử lý như thế nào trong Luật Chứng khoán sửa đổi thưa ông?
Ông Hoàng Văn Cường: Chúng ta cũng biết điều kiện của công ty đại chúng được đưa lên sàn chứng khoán đã được quy định trong Luật. Hiện nay các sở giao dịch chứng khoán khi chấp nhận đưa các công ty này vào giao dịch thì phải kiểm soát lại các điều kiện đó có đúng hay không. Vấn đề này cũng sẽ phải phụ thuộc vào báo cáo của kiểm toán. Do đó, kiểm toán sẽ phải báo cáo những thông tin đó một cách trung thực và Ủy ban Chứng khoán là người kiểm soát chặt.
- Xin cảm ơn ông!