Luật Giám định tư pháp: Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng… là những mục đích chính của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Xác định rõ khó khăn, vướng mắc

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật bổ sung 3 điều; sửa đổi, bổ sung 5 điều; sửa đổi, bổ sung 17 khoản và 14 điểm về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực.

Trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu, thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp... cũng nằm trong dự án Luật.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Ủy ban cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp nhằm “tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.”

Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật trước hết phải trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành Luật.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình chưa có sự thống nhất với nội dung tổng kết, đánh giá được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật. Cụ thể, theo Tờ trình, 3 bất cập chính trong pháp luật về giám định tư pháp.

[Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến ba dự án Luật]

Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, “vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức, tổ chức thực hiện Luật nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương.”

Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp về chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường...

Trong đó có trách nhiệm cả hai phía: cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu.

Từ những vấn đề trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp do tổ chức thực hiện luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết.

Đối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan.

Bảo đảm kết quả giám định tư pháp

Về quy định “phân tuyến” việc trưng cầu giám định tư pháp, Điều 21 Luật hiện hành quy định: người trưng cầu giám định có quyền trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này thực hiện giám định (Khoản 1) và có nghĩa vụ: lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân thực hiện giám định phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định (Khoản 2), mà không có quy định giới hạn lựa chọn tổ chức, cá nhân giám định tư pháp theo cấp cơ quan giám định.

Khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng “phân tuyến” việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp lần đầu theo thứ tự cấp tỉnh, khu vực và Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo Tờ trình của Chính phủ, quy định này nhằm khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng khi giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức giám định tư pháp ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan Trung ương.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết, vì theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp cho thấy, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự hiện nay đang đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng và không có vướng mắc lớn.

Đối với việc giám định tư pháp theo vụ việc, số lượng trưng cầu giám định vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại các bộ, cơ quan ngang bộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đủ cơ sở để xác định quá tải công việc.

Bên cạnh đó, trưng cầu giám định là hoạt động mang tính chuyên môn, khoa học. Theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc do các bộ, cơ quan ngang bộ công nhận và công bố, không phân cấp Trung ương, địa phương.

Việc trưng cầu tổ chức giám định, người giám định theo vụ việc nào là quyền lựa chọn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án cụ thể. Việc bổ sung quy định trên tạo ra sự mâu thuẫn giữa Điều 21 và Điều 25 của Luật.

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mục đích của quy định này nhằm giảm quá tải giám định lên cơ quan Trung ương, vì thế phân ra giám định tư pháp ở cấp tỉnh, cấp khu vực và cơ quan Trung ương.

Nếu bổ sung nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên cân nhắc xem quy định này có phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự và quyền lựa chọn của cơ quan tố tụng trong trưng cầu giám định tư pháp để bảo đảm kết quả giám định tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục