Cho rằng Luật Khoáng sản đang hiện hành là chưa phù hợp, mới đây, cử tri tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chặt chẽ vấn đề này để bảo vệ được tài nguyên quốc gia và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trả lời kiến nghị của cử tri, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành và có hiệu lực kể từ năm 2010 là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Luật này cũng thể chế hóa chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào khai thác khoáng sản; điều tiết nguồn thu từ khoáng sản để hài hòa lợi ích của “Nhà nước-doanh nghiệp-người dân” và địa phương nơi có khoáng sản.
[Xử lý ‘thật nghiêm’ nạn phá rừng, khai thác cát trái phép gây sạt lở]
Đặc biệt, Luật nhấn mạnh việc khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định được đầu tư; hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho” trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân,” nội dung văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Dù vậy, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, mặc dù Luật Khoáng sản đã quy định rất chặt chẽ, song việc triển khai Luật thời gian qua cũng cho thấy đã có những bất cập, tồn tại, hạn chế.
Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện nhiệm vụ đánh giá tác động việc thực hiện các chính sách, quy định của Luật Khoáng sản theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 8960/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước năm 2017.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản gây tổn thất lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; gian lận trong kê khai, thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế...
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam triển khai Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác động của Luật Khoáng sản và đề xuất cơ chế chính sách để thay đổi những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010.”
Đề tài này nhằm mục đích đánh giá các tác động của các quy định của Luật khoáng sản đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản; đánh giá về những mặt được, ưu việt của Luật khoáng sản, những tồn tại, hạn chế, bất cập của chính các quy định trong Luật, các nội dung còn thiếu, các điều, khoản của Luật khoáng sản cần bổ sung, sửa đổi hoặc quy định mới; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới của Luật khoáng sản.
Dự kiến đề tài trên sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Kết quả nghiên cứu của đề tài và báo cáo nêu trên sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh và giải quyết các bất cập, tồn tại./.