Luật sư giúp người nuôi trồng hải sản kiện 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm

33 hộ nuôi trồng hải sản trên sông Chà Và (Vũng Tàu) đã tiến hành ký kết hợp đồng pháp lý với 11 tổ chức hành nghề luật sư để lập hồ sơ khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải ra sông Chà Và.
Luật sư giúp người nuôi trồng hải sản kiện 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm ảnh 1Các luật sư giúp hộ dân tiến hành các thủ tục pháp lý. (Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN)

Chiều 9/5, tại Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 33 hộ nuôi trồng hải sản trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) đã tiến hành ký kết hợp đồng pháp lý với 11 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh để lập hồ sơ khởi kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản (ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã xả thải ra sông Chà Và làm cá nuôi bị chết hàng loạt.

Theo ông Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã phân công cho mỗi tổ chức hành nghề luật sư hỗ trợ một số hộ dân nhất định để khởi kiện 14 doanh nghiệp.

Bắt đầu từ ngày 9/5, các tổ chức hành nghề luật sư sẽ trợ giúp cho những hộ được phân công hoàn thiện thủ tục pháp lý và dự kiến trong tuần tới sẽ lần lượt nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Vũng Tàu.

Ông Hà cho biết thêm, ban đầu, nhiều luật sư đề nghị hỗ trợ miễn phí giúp cho 33 hộ dân khởi kiện 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng do các hộ dân không chấp nhận nên đã thỏa thuận chỉ tính phí 5% trên tổng số tiền đòi được.

Trước đó, khoảng 0 giờ 15 phút ngày 6/9/2015, các hộ nuôi trồng hải sản trên sông Chà Và tại xã Long Sơn phát hiện cá nuôi trong các lồng bè dọc sông đã chết hàng loạt.

Sau khi sự việc xảy ra, nhiều hộ dân đã bức xúc đem cá chết đổ ra cổng các doanh nghiệp chế biến hải sản trên vì cho rằng các nhà máy này đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông làm cá nuôi của họ bị chết. Cá nuôi của họ đã nhiều lần bị chết trước đó mà không xác định được nguyên nhân nhưng họ luôn cho rằng thủ phạm chính là các nhà máy chế biến hải sản trên.

Sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản, điều tra nguyên nhân và đánh giá thiệt hại.

Tỉnh đã mời các chuyên gia thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước dọc sông Chà Và và khu vực cổng số 6 (nơi 14 nhà máy chế biến hải sản tập trung xả ra).

Trên cơ sở phân tích, tính toán khoa học, kết hợp với dữ liệu trực quan, Viện Môi trường và Tài nguyên đã kết luận nguyên nhân gây chết cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và từ ngày 6 đến 14/9/2015 là do ô nhiễm nguồn nước (chủ yếu là do thiếu oxy hòa tan và gây độc với nitrit-NO2), trong đó nguồn gây ô nhiễm chính là do hoạt động xả thải từ cổng số 6 (chiếm 76,64% tải lượng ô nhiễm).

Từ kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên, Sở Tài nguyên Môi trường đã xác định rõ đơn vị, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố cá lồng bè chết là 14 doanh nghiệp chế biến hải sản xả thải vào cổng số 6.

Tuy nhiên, 33 hộ nuôi trồng hải sản trên sông Chà Và đã nhiều lần thương lượng yêu cầu 14 doanh nghiệp chế biến hải sản xả (ấp Láng Cát) thải vào cổng số 6 bồi thường nhưng các doanh nghiệp này luôn cố ý né tránh trách nhiệm và không bồi thường khiến 33 hộ trên phải kiện ra tòa.

Tổng số tiền các hộ yêu cầu bồi thường là 18,1 tỷ đồng, trong đó hộ nhiều nhất là anh Lê Văn Thuận với thiệt hại hơn 3 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục