Luật sư nói gì về việc xử lý hình sự các vi phạm phòng, chống dịch?

Theo luật sư Trần Thế Anh, việc ban hành công văn hướng dẫn về xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 có tính kịp thời, có vai trò lớn trong công tác phòng, chống dịch.
Luật sư nói gì về việc xử lý hình sự các vi phạm phòng, chống dịch? ảnh 1Luật sư Trần Thế Anh. (Ảnh: Xuân Tùng/Vietnam+)

Từ khi khởi phát dịch COVID-19, tại Việt Nam, chưa có trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh nào bị xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, phát hiện, nhưng chỉ có các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính, đồng thời gắn với tuyên truyền, cảnh báo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh dịch đang diễn biến phức tạp, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch có ý nghĩa quan trọng, vừa nghiêm trị các hành vi sai trái, vừa mang tính răn đe, ngăn chặn, tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng.

Việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, rất kịp thời, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Cần xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe

Về vấn đề này, luật sư Trần Thế Anh (Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn XTVN, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích trước khi văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao được ban hành, mới chỉ có các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 đối với những người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

"Tuy nhiên, mức phạt này có thể chưa đủ 'mạnh' và 'thấm,' chưa mang tính răn đe cao, nên vẫn còn rất nhiều trường hợp người vi phạm khác lặp lại hành vi vi phạm này, dù các cơ quan chức năng, báo chí đã đưa thông tin tuyên truyền, răn đe về các trường hợp bị xử lý. Đồng thời, một nguyên nhân lớn nữa là do quy định pháp luật hiện hành về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến bệnh truyền nhiễm chưa chi tiết và cụ thể," luật sư phân tích.

Do đó, theo luật sư Trần Thế Anh, việc ban hành công văn hướng dẫn về xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch có tính kịp thời, có vai trò lớn trong công tác phòng, chống dịch.

Đây sẽ là bước đệm quan trọng cho việc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người.

"Ý thức pháp luật không tự nhiên sinh ra, nếu đã xử lý hành chính chưa đủ răn đe, chưa đủ nhớ thì cần xử lý hình sự nghiêm khắc. Đây là tinh thần thượng tôn pháp luật," luật sư nhấn mạnh.

Thực tế trong thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện khai báo y tế đầy đủ và tự giác của người dân, cũng xuất hiện những trường hợp không hợp tác, thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo, cách ly y tế.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân thứ 178 - bệnh nhân đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên mắc COVID-19. Bệnh nhân 178 dù biết mình có triệu chứng đau họng và sốt, nhưng vẫn giấu chuyện bản thân từ Bệnh viện Bạch Mai về, mà khai báo chỉ ở nhà, không đi đâu, nay thấy đau đầu, chóng mặt thì đi khám. Sự khai báo không trung thực này đã gây không ít khó khăn và trở ngại cho công tác kiểm soát dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp xử lý bệnh nhân COVID-19 thứ 178 để răn đe nhiều người khác.

Trước tình hình đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 để việc xử lý các trường hợp vi phạm được thực hiện nhanh chóng và có cơ sở hơn.

[Nhiều cá nhân bị xử phạt do thông tin sai sự thật về dịch bệnh]

Phân tích về vấn đề này, luật sư Trần Thế Anh cho rằng công văn đã quy định rất rõ ràng về các hành vi bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240, 295 Bộ luật Hình sự như: trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối...

Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh thu lợi bất chính: Lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính, thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.

Cần quy định rõ hơn về xác định thiệt hại do hành vi vi phạm

Bên cạnh đó, luật sư Trần Thế Anh kiến nghị một số vấn đề khi các cơ quan chức năng triển khai theo văn bản này của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như trong việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm.

"Công văn của Tòa án đã đưa ra yếu tố định lượng về giá trị thiệt hại là 100 triệu đồng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, thế nhưng hiện nay lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định thiệt hại như thế nào, do đó cần có văn bản bổ sung và hướng dẫn về quy định này," luật sư phân tích.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn chỉ xử lý những người không tuân thủ quy định dẫn tới lây bệnh cho người khác, hoặc gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nhưng có những trường hợp, bệnh nhân cố tình không đeo khẩu trang hoặc trốn cách ly... nếu không gây hậu quả lại không xử được.

Theo phân tích của luật sư Trần Thế Anh, trong pháp luật có cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất (tức hành vi phải gây hậu quả, thiệt hại thì mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm). Cấu thành hình thức là có thể không gây hậu quả vẫn bị truy cứu như tội cướp giật, dù chưa cướp được tài sản vẫn sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp người trốn cách ly, dù không gây lây nhiễm bệnh tật cho người khác, nhưng lại gây những thiệt hại như làm cộng đồng hoang mang, chính quyền phải có biện pháp, công sức để tìm kiếm, đưa họ về; bên cạnh đó phải cách ly thêm người tiếp xúc với họ... Đây là vấn đề đặt ra, cần có phương hướng xử lý cả trường hợp này để đảm bảo răn đe, cần có chế tài mạnh với bất kỳ ai không tuân thủ quy định phòng dịch.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc hình sự hóa các hành vi vi phạm hành chính là không đúng đắn. Tuy nhiên, luật sư Trần Thế Anh cho rằng, giới hạn về việc xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đã rất rõ ràng. Các hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý theo Nghị định 176 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, còn hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Do đó, luật sư Trần Thế Anh vẫn ủng hộ và hoan nghênh việc áp dụng Công văn 45/TANDTC-PC để góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục