Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO bắt đầu rút khỏi Kazakhstan

Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan nhằm giúp quốc gia thành viên này thiết lập lại trật tự sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực.
Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO bắt đầu rút khỏi Kazakhstan ảnh 1Binh sỹ Belarus thuộc lực lượng Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) tới Kazakhstan, ngày 8/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 2.000 binh sỹ gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan.

Lực lượng này được triển khai tới Kazakhstan trong khuôn khổ CSTO nhằm giúp quốc gia thành viên này thiết lập lại trật tự sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực.

Tướng Andrei Serdyukov của Nga, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO triển khai tại Kazakhstan từ ngày 6/1, tuyên bố hoạt động gìn giữ hòa bình đã kết thúc, nhiệm vụ đã hoàn thành.

[Hai kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan]

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể CSTO đang bắt đầu chuẩn bị trang thiết bị để chuyển lên máy bay vận tải quân sự của lực lượng hàng không vũ trụ Nga và trở lại các điểm đóng quân.

Trong những ngày đầu năm 2022, biểu tình bạo loạn leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu.

Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh và thành phố lớn của nước này, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của CSTO.

Sau khoảng 1 tuần lực lượng CSTO triển khai tại Kazakhstan, tình hình bất ổn ở quốc gia Trung Á này đã được kiểm soát.

Tổng thống Tokayev ngày 11/1 tuyên bố CSTO đã hoàn tất nhiệm vụ thành công, bắt đầu rút quân từ ngày 13/1 và tiến trình này không kéo dài quá 10 ngày.

Văn phòng Tổng thống Kazakhstan ngày 12/1 cũng thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 3 khu vực gồm vùng Tây Kazakhstan, vùng Pavlodar và Bắc Kazakhstan, từ ngày 13/1.

Trong chuyến thị sát thành phố Almaty ngày 12/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố các lực lượng CSTO đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định tình hình ở quốc gia này.

Ủy ban Hàng không dân dụng thuộc Bộ Công nghiệp và Phát triển cơ sở hạ tầng Kazakhstan cho biết sân bay quốc tế Almaty đã hoạt động trở lại từ ngày 13/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.