Lực lượng thánh chiến ở Syria, Iraq lập nhà nước Hồi giáo

Lực lượng thánh chiến đã tuyên bố thành lập một Khalifah tức nhà nước Hồi giáo, dạng chính thể đã chấm dứt gần 100 năm trước đây với sự sụp đổ của đế chế Ottoman.
Lực lượng thánh chiến ở Syria, Iraq lập nhà nước Hồi giáo ảnh 1Binh sỹ Iraq gác tại khu vực phía tây thành phố Karbala, miền trung Iraq ngày 29/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, lực lượng thánh chiến đang tham chiến ở Syria và Iraq đã tuyên bố thành lập một Khalifah tức nhà nước Hồi giáo, dạng chính thể đã chấm dứt gần 100 năm trước đây với sự sụp đổ của đế chế Ottoman.

Trong một đoạn băng ghi âm được đăng tải trên mạng, nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) tuyên bố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức này là Khalib - người đứng đầu nhà nước Hồi giáo nói trên và là “lãnh đạo của người Hồi giáo ở mọi nơi."

Tuyên bố của ISIL cho biết lãnh thổ của nhà nước này trải dài từ thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở miền Đông Iraq. ISIL yêu cầu những người Hồi giáo sinh sống tại khu vực này phải "tuân lệnh" và trung thành với thủ lĩnh mới.

Theo người phát ngôn của ISIL, hai từ "Iraq" và "Levant" trong "Nhà nước Hồi giáo và vùng Levant" sẽ bị loại bỏ khỏi mọi văn kiện và thông báo.

Trong một diễn biến khác, ngày 29/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về "cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng" tại Iraq, đồng thời yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các hành động bức hại dân thường dựa trên các lý do tôn giáo và sắc tộc.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, mọi bên tham gia cuộc xung đột, trong đó có các nhóm vũ trang, ISIL, dân quân địa phương hay lực lượng an ninh quốc gia Iraq, cần tránh và ngăn ngừa tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tuyên bố của ông Ban Ki-moon được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân người Sunni do ISIL đứng đầu nhằm vào nhiều thành phố, thị trấn ở phía Bắc và Đông Iraq.

Trong gần một tháng kể từ khi bùng phát các cuộc giao tranh, đã có ít nhất 900 dân thường thiệt mạng và gần 700 người bị thương tại các vùng chiến sự ác liệt là các tỉnh Nineveh, Salahudin và Diyala, trong khi số người thiệt mạng trên cả nước Iraq vào khoảng 1.300 người.

Trước tình hình chiến sự leo thang tại Iraq, ngày 29/6, Đại sứ Ấn Độ tại các nước vùng Vịnh gồm Qatar, Oman, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tham dự cuộc họp dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj để trao đổi về tình hình khu vực và thảo luận chiến lược sơ tán an toàn những công dân Ấn Độ đang bị kẹt tại các vùng xung đột ở Iraq.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, ước tính 20.000 công dân Ấn Độ đang cư trú tại Iraq và hiện còn khoảng 100 người bị kẹt tại vùng xung đột. Theo người phát ngôn bộ trên, 39 công dân nước này bị bắt cóc hai tuần trước tại Mosul, thành phố ở miền Bắc Iraq đang nằm trong tay phiến quân, hiện vẫn được an toàn.

Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India) đã cho ba máy bay sẵn sàng làm nhiệm vụ sơ tán công dân khỏi Iraq khi được yêu cầu. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ triển khai tàu chiến INS Mysore và tàu INS Tarkash tới vùng Vịnh sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Chính phủ Ấn Độ đã cho thành lập ba văn phòng nhằm hỗ trợ cộng đồng người Ấn Độ tại Iraq, đồng thời quyết định chuyển một phần quỹ phúc lợi của các phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại các nước vùng Vịnh tới Đại sứ quán nước này ở Baghdad để giúp đỡ và tạo điều kiện sơ tán công dân khỏi Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.